Nâng cao chất lượng y tế để hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã làm việc với Sở Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác tiêm chủng tại trường mầm non Hoa Sữa (quận Đống Đa).
Hoàn thành 6/6 chỉ tiêu Thành phố giao
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, năm 2018, ngành y tế TP đã hoàn thành 6/6 chỉ tiêu, nhiệm vụ TP giao. Trong đó, chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân tăng từ 23,3 - 24,5/vạn dân; tỷ lệ bác sỹ/vạn dân tăng từ 13,1 - 13,3/vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 8,2% (giảm 0,3% so với năm 2017)... Các chỉ tiêu khám, chữa bệnh cũng đạt và vượt kế hoạch. Số lượt khám chữa bệnh năm 2018 đạt gần 6,68 triệu lượt (tăng 4,5% so với năm 2017).
Trong 2 tháng đầu năm 2019, ngành y tế tập trung phục vụ tốt dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thí điểm kết nối trung tâm cấp cứu 115 với các bệnh viện đa khoa để xử lý, cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Kết quả, ngành y tế đã khám cho trên 965.000 lượt bệnh nhân và thực hiện phẫu thuật, thủ thuật trên 324.000 lượt.
Trong năm qua, theo kết quả khảo sát tại 67 bệnh viện trong và ngoài công lập do Sở y tế tiến hành, mức độ hài lòng và rất hài lòng của người bệnh điều trị ngoại trú đạt trên 92% và chỉ tiêu này đối với người bệnh điều trị nội trú trên 95%. Ngoài ra, các dịch bệnh như: Tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết… đều giảm mạnh so với năm 2017. Có được kết quả trên, trong năm qua, ngành y tế đã triển khai 95 chiến dịch phun hóa chất diện rộng tại các quận, huyện có nguy cơ bùng phát dịch; tổ chức phát động vệ sinh môi trường, khử khuẩn; tiếp tục triển khai tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trên 640.000 trẻ em từ 1-5 tuổi.
Trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan báo, đài TP đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực này; phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho trên 18,5 nghìn lượt cán bộ ban chỉ đạo và mạng lưới an toàn thực phẩm. Đồng thời, toàn TP đã tổ chức 938 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm đối với 120.000 lượt cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính đối với 8.238 cơ sở với số tiền trên 28,8 tỷ đồng.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quan tâm hơn đến công tác phòng, chống dịch bệnh
Biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, y bác sỹ ngành y tế Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, Hà Nội là đô thị lớn nên nhu cầu khám chữa bệnh cũng rất lớn. Trong khi đó, cơ sở vật chất khám chữa bệnh còn khó khăn, cơ chế chính sách còn bất cập. Vì vậy, những kết quả mà ngành y tế TP đạt được trong những năm qua rất đáng ghi nhận, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Y tế là một ngành đòi hỏi cao về tính hội nhập. Bởi, ngành y tế không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân Thủ đô mà còn cả khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì thế, ngành y tế không những quan tâm đến khám chữa bệnh mà cần phải quan tâm cả vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sống. Nếu quản lý tốt chính là một biện pháp phòng, chống bệnh cho ngành y tế” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội là nơi có cơ hội để phát triển ngành dược nói chung vì có đến 70% các nhà khoa học ở Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề là phải có cơ chế để thu hút người tài hiệu quả hơn. Đồng thời, ngoài việc tăng số lượng giường bệnh thì các cơ sở y tế cũng phải nghiên cứu để giảm số thời gian điều trị cho mỗi bệnh nhân.
Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị, ngành y tế tập trung làm tốt công tác xây dựng đảng và triển khai các Nghị quyết của T.Ư về bảo vệ sức khỏe toàn dân. Tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết 18, 19 của T.Ư, nhất là tăng cường tự chủ để phát huy năng lực của mỗi đơn vị. Trong quá trình thực hiện, không nhất thiết phải tự chủ hóa toàn phần mà các đơn vị đáp ứng được đến đâu thì tự chủ đến đó. “Bệnh viện Tim Hà Nội, dù diện tích, cơ sở vật chất không nhiều nhưng mỗi năm thu gần 1.200 tỷ đồng. Điều đó cho thấy tiềm năng của các đơn vị y tế còn rất lớn”  - Bí thư Thành ủy nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu, cán bộ, y bác sỹ cần thực hiện nghiêm 2 bộ Quy tắc ứng xử của TP để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Điều này nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh mà trước hết là ở ý thức, thái độ của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ. Cùng với đó, quyết liệt hơn trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Dịch bệnh xảy ra trên địa bàn đều thuộc trách nhiệm của phường

Sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Trường Mầm non Hoa Sữa (phường Kim Liên, quận Đống Đa). Theo đó, Bí thư Thành ủy đã kiểm tra biện pháp của Trạm Y tế phường trong trường hợp phụ huynh quên tiêm chủng cho con và việc tuyên truyền, khuyến khích người dân khám bệnh định kỳ...

Qua kiểm tra, Bí thư Thành ủy đánh giá cao kết quả công tác của Trạm Y tế phường và nhà trường trong công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng. Đồng thời nêu rõ, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh của cơ sở rất nặng nề và bất cứ trường hợp dịch bệnh nào xảy ra trên địa bàn đều thuộc trách nhiệm của phường.

Do đó, phường và trực tiếp Trạm Y tế phải kiểm soát chặt chẽ từng trường hợp, nhất là những trường hợp tiêm dịch vụ bên ngoài. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế quận, Trạm Y tế phường cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và đổi mới công tác truyền để kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần