Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Chương trình “Sữa học đường” là chủ trương đúng đắn

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/10, liên quan đến vấn những ý kiến trái chiều về Chương trình "Sữa học đường" sẽ được áp dụng vào năm học 2018 - 2019 trên địa bàn Hà Nội, phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Theo đó, ngày 6/8/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện chương trình "Sữa học đường" cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kết luận Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.
Mới đây nhất, chiều 28/9, tại buổi làm việc với báo chí về Chương trình "Sữa học đường", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, thành phần sữa sẽ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Về việc giám sát thành phần sữa học đường sẽ có các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, ví dụ như Cục An toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng. Sở GD&ĐT cũng khuyến cáo, phụ huynh có điều kiện thì test, giám sát thành phần sữa. Thời hạn sử dụng sữa sẽ in trên vỏ hộp, không có chuyện sữa hết hạn sử dụng, không có chuyện sữa đóng chai thủy tinh, không tem mác.
Ngoài ra, trước cũng như sau khi đưa vào thực hiện, hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật của Bộ Y tế đưa ra. Việc sản xuất sữa cũng phải có quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế đã quy định… Nhà thầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên nếu xảy ra vấn đề trong quá trình các em học sinh uống sữa. Hiện tại, chương trình đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu cung cấp sữa cho trẻ.
Mặc dù đang triển khai giai đoạn lấy ý kiến tại các nhà trường và Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã quyết định kéo dài chốt danh sách mời thầu đến 10/10 thay vì 1/10 như dự kiến, nhưng trên một số tờ báo điện tử và mạng xã hội vẫn có những cái nhìn thiếu thiện chí và có phần sai lệch, từ đó dẫn đến hiểu sai về Chương trình "Sữa học đường".
Trước đó, ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình "Sữa học đường" cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình "Sữa học đường". Đến nay đã có một số tỉnh, TP đã triển khai chương trình này như: TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Ngãi…
Liên quan đến vấn những ý kiến trái chiều về Chương trình “Sữa học đường” sẽ được áp dụng vào năm học 2018 - 2019 trên địa bàn Hà Nội, chiều 1/10 phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy lưu ý, vấn đề là phải làm thế nào để tổ chức triển khai, đấu thầu công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi, chỉ cần một trường triển khai có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cả TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần