Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/8, nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9; 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô, đoàn đại biểu TP Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã đến dâng hương, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một số di tích mà Bác từng sinh sống, làm việc trên địa bàn Hà Nội.

Tham gia đoàn có Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trò chuyện với cán bộ, công nhân viên Khu di tích Hồ Chí Minh.

 

Tại Nhà 67 thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch, Bí thư Thành ủy và các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội đã thành kính dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo cáo với anh linh của Bác về những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô đã thực hiện theo Di chúc của Người trong những năm qua. Các đồng chí lãnh đạo TP cầu mong anh linh của Bác sẽ mãi mãi dõi theo, phù hộ cho quốc thái dân an và Thủ đô, đất nước ngày càng phát triển. Các đồng chí lãnh đạo TP quyết tâm học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Di chúc của Người để xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Trò chuyện với cán bộ, công nhân viên Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bí thư Thành ủy cảm ơn tập thể cán bộ, công nhân viên Khu di tích đã bảo quản tốt hiện vật, di vật của Bác. Đồng thời, coi đây là tài sản vô giá để giáo dục truyền thống cho các thế hệ, cũng như giới thiệu với đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác trong cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân cả nước.
 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67.
Tiếp đó, Bí thư Thành ủy cùng các đồng chí lãnh đạo TP đã đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại gia đình cụ Nguyễn Thị An – Di tích cấp TP (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Đây là nơi đầu tiên đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô. Trò chuyện với thân nhân gia đình cụ Nguyễn Thị An, Bí thư Thành ủy thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trân trọng cảm ơn những đóng góp, giúp đỡ của gia đình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng thời đánh giá cao những việc làm của gia đình cụ Nguyễn Thị An trong suốt 74 năm qua đã gìn giữ, bảo quản những hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và biến nơi đây là địa chỉ đỏ, di tích lịch sử cách mạng quan trọng, địa điểm sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Bí thư Thành ủy khẳng định, TP sẽ tiếp tục quan tâm để phát huy tốt hơn nữa giá trị của di tích trong thời gian tới.
Tại Di tích nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), Bí thư Thành ủy cùng các đồng chí lãnh đạo TP đã thăm những hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và gắn với thời kỳ lịch sử trọng đại của dân tộc. Đây là nơi làm việc của Thường vụ T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập và đọc tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trò chuyện với thân nhân gia đình cụ Nguyễn Thị An.
Xúc động ghi vào sổ lưu niệm tại Di tích, Bí thư Thành ủy nêu rõ: “Nhân kỷ niệm 74 năm cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9; 50 năm thực hiện Di chúc Thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm lại di tích Nhà 48 Hàng Ngang, nơi Bác đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập - khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, khung cảnh và những hiện vật tại di tích như vẫn còn hơi ấm của Người. Để tỏ lòng thành kính với Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản quý báu gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Người. Đặc biệt, Di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Thủ đô và lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà 48 Hàng Ngang để trở thành những địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân và thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của Thủ đô, đất nước”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần