Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Kiên quyết xử lý các vi phạm gây ô nhiễm sông Đáy

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại huyện Chương Mỹ để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tham gia buổi tiếp xúc cử tri còn có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị.
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đều đánh giá kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra vừa qua là kỳ họp có nhiều đổi mới so với những kỳ họp trước. Tuy nhiên, nhiều vấn đề “nóng” trong xã hội cũng được cử tri nêu ý kiến như: Xây dựng nông thôn mới (NTM), chính sách trong phát triển nông nghiệp, ô nhiễm môi trường…
Cử tri Hoàng Văn Toàn (thị trấn Chúc Sơn) đánh giá cao việc Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP đã mang lại cơ hội để nông sản Việt Nam vươn ra thế giới. Tuy nhiên, để đáp ứng được sức cạnh tranh khi hội nhập cử tri này đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đến sự phát triển sản xuất nông nghiệp; công tác quản lý điều tiết giá cả thị trường tạo thuận lợi các DN, hộ gia định yên tâm sản xuất; phân cấp cho UBND huyện phê duyệt các dự án để hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi. Bên cạnh đó, cử tri Toàn cũng kiến nghị vấn đề ô nhiễm môi trường tại sông Đáy bởi việc này đang ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Còn cử tri Vũ Văn Mạnh (xã Quảng Bị) cho biết, đối với chương trình xây dựng NTM, một số xã trong huyện còn gặp khó khăn trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn; chưa đạt tiêu chí về hệ thống điện phục vụ sản xuất… Từ đó, cử tri đề nghị các đại biểu quân tâm để kiến nghị với các cơ quan chức năng sớm có đầu tư cho huyện sớm về đích trong xây dựng NTM.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Vĩnh (xã Nam Phương Tiến) bày tỏ, do địa hình nên xã hay bị ngập lụt mỗi khi mưa bão. Song được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ TP đến huyện nên Nhân dân cảm thấy ấm lòng. Từ thực trạng đó, cử tri này kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và TP quan tâm giúp đỡ huyện trong việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phê duyệt dự án thoát lũ và cấp kinh phí để đầu tư, nâng cấp các tuyến đê đảm bảo chống lũ…
Cử tri huyện Chương Mỹ phát biểu ý kiến.
Đầu tư thêm hệ thống đê bao để ngăn lũ
Tiếp thu ý kiến cử tri về chính sách trong phát triển nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, TP đang dự thảo nghị quyết để kỳ họp HĐND tới ban hành, trong đó có hỗ trợ về nông nghiệp và liên kết theo chuỗi. Theo Bí thư Thành ủy, hiện nay TP đang duy trì 125 chuỗi liên kết thành công và kinh nghiệm cho thấy phải có sự phối hợp giữa Sở Công thương, Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương... Sau đó, từ huyện phải phối hợp với các sở để quy hoạch các vùng sản xuất đạt quy mô kinh tế. Bởi, nếu các vùng sản xuất nhỏ thì đơn giá sẽ tăng. Đặc biệt, sản phẩm nông sản của TP phải đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu được và như thế mới có thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Liên quan đến định hướng xử lý vùng lũ ở Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy cho biết, TP đã phân kỳ các dự án đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn với mục tiêu làm thế nào để sống chung với lũ, phát triển bền vững và ổn định đời sống người dân. Bí thư Thành ủy cho rằng, các giải pháp này phải được chuẩn bị căn cơ hơn như: Quy hoạch lại các khu dân cư; chọn khu vực nào phải đảm bảo bền vững, gắn với vùng sản xuất, văn hóa, lịch sử; đầu tư thêm các hệ thống đê bao, nâng cốt đê...
Đối với vấn đề cử tri kiến nghị ô nhiễm tại sông Đáy, Bí thư Thành ủy cho biết, xử lý ô nhiễm sông Đáy là chủ trương lớn của Chính phủ và TP từ nhiều năm nay. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã kết thúc giai đoạn 1 nạo vét sông Đáy và đang triển khai giai đoạn 2 để có thể đưa nước vào sông Đáy với công suất 2.500m3/s nhằm làm sống lại dòng sông này. Cùng với đó, TP đã chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền, cảnh sát môi trường vào cuộc xử lý nghiêm theo Luật Bảo vệ môi trường để ngăn chặn tình trạng xả thải vào sông Đáy.
“Toàn bộ diện tích nước sông Đáy phục vụ 30% sản xuất nông nghiệp của TP nên đây là vấn đề lớn. Từ nay đến năm 2020, TP sẽ bố trí 2.000 tỷ đồng để đưa nước từ sông Đà vào sông Tích và sau đó đưa tiếp nước từ sông Tích vào sông Đáy để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Trước mắt, yêu cầu phải kiểm soát và kiên quyết xử lý 700 nguồn xả thải và 152 cống xả thải vào sông Đáy” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần