Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Hà Nội có nhiều cách làm hay, hiệu quả thực hiện cải cách hành chính

Bài và ảnh: Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/7, Đoàn đại biểu của TP Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác cải cách hành chính (CCHC); xây dựng Chính phủ điện tử, kêu gọi xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện tiết kiệm và chi ngân sách.

 Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc

Lấy Văn phòng UBND TP đột phá cải cách

Chia sẻ những kết quả đạt được về kiện toàn bộ máy tổ chức (theo Nghị quyết 39 của TƯ), Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, xắp xếp lại bộ máy hành chính là việc khó. Do vậy, khi triển khai, TP đã chọn Văn phòng UBND TP- nơi trước đây được coi là “điểm nóng”, không ít bị nhiều phàn nàn về thủ tục hành chính, làm điểm đột phá. Khi triển khai, lãnh đạo TP đã trực tiếp đối thoại với cán bộ, công chức những người có chức vụ và cho cơ chế với Trưởng phó phòng trong diện cắt giảm cắt giảm, theo đó giữ nguyên lương khối cán bộ Trưởng, phó phòng, ban trong 24 tháng, nhưng không tham gia điều hành công tác.

Trong thời gian đó, nếu có nhu cầu ở địa bàn sẽ đề bạt. “Thực tế trong số cán bộ trên khi sắp xếp vẫn được đề bạt. Do vậy, đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao”, Chủ tịch UBND TP thông tin.

Sau đó cách làm này được nhân rộng ra các sở ngành, quận huyện. Chỉ sau một năm, Hà Nội cơ bản đã hoàn thành việc tinh gọn, xắp xếp lại bộ máy gắn với đề án cơ cấu việc làm cụ thể đến từng đơn vị. kết quả Hà Nội, đã tinh giản được 262 Trưởng, phó ban và tương đương…

Người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho biết, từ cuối năm 2015, TP đã mạnh dạn bỏ toàn bộ hệ thống phần mềm, sever cũ để xây dựng hệ thống mới theo hướng thuê dịch vụ các tập đoàn viễn thông, kết nối chung từ TP tới phường xã. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng thuê viết phần mềm phù hợp; hợp đồng với Ban Cơ yếu Chính phủ, làm công tác bảo mật ngay từ đầu... Cùng với hệ thống dữ liệu dân cư (DLDC) hoàn chỉnh, kết nối từ TP đến phường xã. Hà Nội đã triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, giảm nhiều thủ tục, thời gian đi lại cho người dân, DN...

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, kết quả rõ nhất, khi ứng dung CNTT trong tuyển sinh đầu cấp qua mạng, đã chấm dứt tình trạng, phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ xin học cho con... ; hay thủ tục hành chính trong việc hỏa táng người chết, trước đây ở Hà Nội, người dân phải qua nhiều khâu, đi lại rất phiền phức. Như, đầu tiên, đến UBND phường làm giấy chứng tử, rồi lên Sở LĐTBXH để làm hợp đồng hỏa táng và đóng 3 triệu; Hỏa táng xong lấy giấy chứng nhận hỏa táng, đem tới UBND phường để rút lại lấy 3 triệu tiền hỗ trợ. Nay, Hà Nội đã thiết lập kết nối thông tin đến 2 trung tâm hỏa táng của TP. Gia đình nào có người chết muốn hỏa táng sẽ được xác nhận thông tin qua mạng, thực hiện hỏa táng ngay và sau đó nhận tiền hỗ trợ 3 triệu đồng ngay tại chỗ.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Về thu hút đầu tư, TP luôn ưu tiên CCHC, thực hiện GPMB giao đất “sạch’ cho nhà đầu. Khi DN gặp khó khăn, vướng mắc lãnh đạo TP trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe các DN (kể cả ngoài giờ làm việc) để cùng giải quyết. Cùng với đó, TP Hà Nội thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các đề xuất của DN trong ngày; các dự án kêu gọi đầu tư được công khai...nhờ đó đã tạo niềm tin, thúc đẩy DN đầu tư vào TP.

Kết quả, năm 2016, TP Hà Nội đã thu hút 3,11 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 2,93 lần so năm 2015; Lũy kế 7 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã thu hút 301 dự án FDI, với vốn đăng ký 1,355 tỷ USD; TP đã cấp chủ trương đầu tư 98 DA trong nước, với vốn đăng ký 68.9700 tỷ đồng; Riêng 2 hội nghị năm 2016 và năm 2017 “Hà Nội – hợp tác đầu tư và phát triển”, TP đã giới thiệu 231 DA đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1,81 triệu tỷ đồng.

Cũng tại 2 hội nghị trên, TP đã trao quyết định đầu tư cho 71 DA, với vốn đăng ký 111.300 tỷ đồng… Tóm lại, mục tiêu trong CCHC của TP hướng tới là: lấy người dân và DN làm đối tượng phục vụ. Trong đó, phải bảo đảm sự hài lòng của người dân, thủ tục hành chính nhanh chóng, giá dịch vụ thấp nhất và quan trọng là thái độ phục vụ. Đó chính là cơ sở đánh giá hiệu quả công tác CCHC, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, khẳng định.

Về tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, là một lĩnh vực khó khăn. Hà Nội đã rà soát đơn giá 5 lĩnh vực chi tiêu công như môi trường, thoát nước, thủy lợi, cây xanh và yêu cầu các DN công ích tính toán lại, đưa ra đơn giá sát với thực tế. Trong 2 năm (2016 -2017), TP đã rà soát 10 lĩnh vực dịch vụ công ích, đến nay đã giảm 130 quy trình công việc thừa, trùng lặp, hơn 800 định mức và gần 1.400 đơn giá. Thành phố đã cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, tiếp tục giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong điều hành ngân sách từ 55,5%, giảm còn 52,4% trong tổng chi ngân sách...; qua cân đối ngân sách, TP quyết định không phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu… Tính ra, tổng cộng TP Hà Nội đã tiết kiệm tổng cộng 8.000 tỷ đồng.

Những kinh nghiệm quý của Hà Nội

Về xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội, theo Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung, kinh nghiệm rút ra, là cần thực hiện có lộ trình khoa học, bài bản; khi triển khai, thực hiện thí điểm từ phường xã đến quận rồi mới nhân rộng… Sau một năm, khung chính quyền điện tử của TP đã cơ bản hình thành là nền tảng cơ bản cho việc thúc đẩy CCHC tạo thuận lợi nhất cho người dân. Hơn nữa, số thủ tục hành chính ở một quận tại Hà Nội rất lớn, nếu xây dựng trung tâm hành chính công tập trung sẽ không phù hợp, vì vậy Hà Nối sẽ lắp thiết bị đầu cuối đến tận nhà người dân để triển khai các thủ tục hành chính qua mạng, phục vụ người dân, DN tận nơi, không phải đi lại, Chủ tịch UBND TP chia sẻ.

Ngoài ra, TP Hà Nội tăng cường phân cấp cho quận, huyện như công tác GPMB, thí điểm ở quận Long Biên ủy quyền cho đầu tư DA cấp TP; có cơ chế khuyến khích đấu giá QSDĐ cho quận huyện, tạo nguồn đầu tư cho địa phương.

 Hà Nội đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay với TP Hồ Chí Minh

Tại buổi làm việc, các đại biểu TP Hồ Chí Minh đánh giá cao các sáng kiến, kinh nghiệm của TP Hà Nội đã chia sẻ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP Hà Nội theo phương châm 5 rõ (Rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ trách nhiệm và rõ kết quả; thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính; Nguyên tắc: Một người một việc xuyên suốt từ TP đến cơ sở.).... Các đại biểu cũng trao đổi, tìm hiểu những mô hình hiệu quả của Hà Nội, như: việc tổ chức sự kiện thu hút đầu tư DN trong và ngoài nước; cơ chế hoạt động của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN, xây dựng khung chính quyền điện tử…, Mô hình thưởng tiền cán bộ, công chức phục vụ Nhân dân tốt, với mức thưởng không khống chế tỷ lệ ở quận Long Biên…

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá rất cao, kết quả của buổi làm việc giữa hai TP. Từ những kinh nghiệm mà lãnh đạo TP Hà Nội và các sở ngành, quận huyện đã chia sẻ tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh rà soát, xây dựng đề án xắp xếp bộ máy; Quy trình đánh giá hàng tháng với công chức viên chức, khen thưởng kịp thời.

Nêu vấn đề về bài học của Hà Nội khi mạnh dạn bỏ hệ thống phần mềm không đồng bộ để xây dựng hệ thống liên thông chung, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đề nghị Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh rà soát, trả lời lãnh đạo TP trong một tháng về cách làm của TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này. Đối với các sở ngành, cần nghiên cứu, các quy trình thực hiện các dự án đầu tư; kinh nghiệm của Hà Nội phân cấp cho quận huyện trong công tác GPMB; Xem xét về bài học từ việc thống nhất hệ thống điều hành tàu điện ngầm khi kêu gọi đầu tư và xây dựng..., đồng thời mong muốn Hà Nội tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình với TP.HCM trong thời gian tới.