Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Mặt trận góp phần thúc đẩy sự đồng thuận cao trong xã hội để phát triển Thủ đô

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, công tác Mặt trận Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, MTTQ và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác vận động, tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Sáng 26/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP về kết quả công tác mặt trận những năm qua và chương trình công tác những năm tới. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.
Nhiều đổi mới trong hoạt động
Báo cáo với Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, công tác Mặt trận Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, MTTQ và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác vận động, tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, triển khai có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. 
Hoạt động của Mặt trận có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức tổ chức; mối quan hệ phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền, các tổ chức thành viên và các cơ quan hữu quan ngày càng gắn bó chặt chẽ, hiệu quả. Các hoạt động đã hướng mạnh về cơ sở, lấy khu dân cư, tổ dân phố, thôn, làng là địa bàn để tổ chức các hoạt động. Vai trò Mặt trận ngày càng khẳng định là trung tâm khối đại đoàn kết, nơi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, qua đó đóng góp tích cực và hiệu quả vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô.
Đặc biệt, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội trong thời gian qua tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, các chức sắc tôn giáo, người có đạo và đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường phát triển, mở rộng tổ chức, kết nạp đoàn viên, hội viên; chú trọng thu hút lực lượng người cao tuổi, cán bộ hưu trí, các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, người tiêu biểu trong các dân tộc ít người, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác Mặt trận.
MTTQ các cấp phối hợp với Chính quyền thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tham gia có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của Thủ đô. Trong năm năm qua, toàn Thành phố vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được 334,9 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 9.167 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn Thành phố hiện còn 0,42%.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn tiếp tục khẳng định vai trò giám sát của Mặt trận ở cơ sở, trong năm năm qua đã giám sát trên 45.000 cuộc. Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát trên 25.000 công trình, dự án phát hiện sai phạm về các lĩnh vực đầu tư không đúng quy định, cung ứng vật tư, thực hiện quy trình sai so với nội dung được phê duyệt, các việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.
 Lãnh đạo thành phố và các đại biểu dự cuộc làm việc
MTTQ các cấp của Thành phố cũng tập trung làm tốt công tác nắm tình hình và định hướng dư luận nhân dân trên địa bàn, kịp thời báo cáo cấp ủy những vấn đề phức tạp nảy sinh; tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận và phối hợp giải quyết những búc xúc của nhân dân, góp phần hạn chế phát sinh những điểm nóng, phức tạp ở các địa phương.

Tạo được niềm tin trong Nhân dân

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phạm Lợi đánh giá, năm 2019, hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tiếp tục được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động vào xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân của Thủ đô trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên vận động phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Tăng cường được hoạt động giám sát, phản biện xã hội để góp phần tích cực xây dựng các chủ trương, chính sách của TP và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Qua các hoạt động thiết thực đó, vai trò của MTTQ TP đã được khẳng định, phát huy và Nhân dân tin cậy.

Nhấn mạnh năm 2020 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP kiến nghị, Thành uỷ cần có chủ trương để các cấp uỷ Đảng tăng cường công tác mặt trận trong tình hình mới; Ban Thường vụ các cấp uỷ Đảng có chuyên đề làm việc tăng cường công tác mặt trận ở các địa phương, cơ sở; chú trọng việc bố trí cán bộ MTTQ trong cơ cấu cấp uỷ. Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ phối hợp với MTTQ tổ chức tốt việc lấy ý kiến Nhân dân tham gia vào các văn kiện Đại hội Đảng để đây thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Nhân dân.

Từ góc nhìn trí thức, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, những năm gần đây mặc dù đã đạt được nhiều tốt trong công tác tư vấn, phản biện, giám sát xã hội nhưng hiệu quả thực hiện chức năng vận động, tập hợp trí thức của MTTQ chưa cao. Vì vậy, bà Bùi Thị An đề nghị, cần làm sao để hoạt động của MTTQ hướng tới và đạt được mục tiêu cao nhất là tạo ra sức mạnh tổng hợp với đúng nghĩa của nó. Sức mạnh đó không dừng ở các văn bản ký kết, hội nghị mà phải thể hiện trên các hoạt động thực tiễn và phải cải thiện được chất lượng cuộc sống ngưởi dân làm thay đổi diện mạo của từng cơ sở, toàn TP.

“Với đội ngũ trí thức cần một môi trường làm việc thông thoáng, bình đẳng phù hợp với chức năng, sở trường để đóng góp được nhiều công sức, trí tuệ, những ý kiến xây dựng, phản biện có tính khoa học cao, phù hợp với xu thế thời đại cũng như sự đổi mới của đất nước và phù hợp với Hiến pháp, Luật pháp của Nhà nước.” – bà An nói.

Bổ sung chương trình, chính sách mới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận những kết quả hoạt động phối hợp của Mặt trận các cấp với chính quyền TP các cấp.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc làm việc

Đối với vấn đề môi trường được người dân quan tâm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung biết, TP đã tích cực xây dựng chương trình kế hoạch có biện pháp trước mắt và lâu dài, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm để nâng cao chất lượng đời sống của người dân Thủ đô.

Về xử lý nước thải, hiện nay TP đã xử lý được 25%. Dự kiến đến năm 2022 sẽ nâng được tỷ lệ xử lý nước thải là 85%; phấn đấu đến năm 2025, 100% nước thải đô thị sẽ được xử lý.

Về di dời các cơ sở nhà đất, hiện nay TP đang bám sát vào các chỉ đạo của Chính phủ và đã có kế hoạch thực hiện cụ thể.

“Đối với các vấn đề trên, UBND TP sẽ chuyển toàn bộ tài liệu để Mặt trận tổ quốc TP công khai, minh bạch cho tất cả người dân” – Chủ tịch UBND TP nói.

Về chính sách cho cán bộ sau khi TP sắp xếp lại các thôn, tổ dân phố, TP cam kết có những chính sách hỗ trợ cán bộ cơ sở. Cụ thể là tăng trợ cấp hàng tháng; đối với cán bộ nghỉ thì sẽ có chính sách phù hợp với tâm tư nguyện vọng của các cán bộ này.

Chủ tịch UBND TP cho biết TP đang xây dựng kế hoạch đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của TP. Trước ngày 15/3, TP sẽ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đóng góp ý kiến, có sự tham gia của Mặt trận tổ quốc và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu ít nhất tác động của dịch Covid-19, phấn đấu TP sẽ vẫn giữ được nhịp độ phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Để làm tốt các nội dung phối hợp giữa chính quyền TP với Mặt trận tổ quốc các cấp, Chủ tịch UBND TP đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ, bám sát các nhiệm vụ của Trung ương, Chính phủ để triển khai các nội dung chương trình đã ký kết, trong đó bổ sung các chương trình hoạt động mới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Lựa chọn trọng tâm để giám sát, phản biện 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, đây là dịp để lãnh đạo TP trực tiếp được lắng nghe, thấu hiểu đầy đủ hơn những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân Thủ đô. Từ đó, kịp thời giải quyết những vướng mắc để tạo sự đồng thuận xã hội và góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. 

Theo Bí thư Thành ủy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh nhưng Hà Nội đã chung sức, đồng lòng hoàn thành 21/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Để có được những kết quả trên có sự đóng góp của MTTQ TP, các tổ chức thành viên và sự chung sức, ủng hộ của người dân.

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận cuộc làm việc

Bí thư Thành ủy đánh giá, với vai trò của mình, thời gian qua, Uỷ ban MTTQ TP đã bám sát chỉ đạo T.Ư, TP và có nhiều sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đạt được điều kết quả tích cực. Trong đó, có việc đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP lần thứ 17; công tác nắm tình hình, định hướng dư luận và tuyên truyền xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân luôn được quan tâm kịp thời; các hoạt động vì cộng đồng được triển khai kịp thời; chủ động đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong Nhân dân…

Nhấn mạnh năm 2020 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô, đất nước, Bí thư Thành ủy đề nghị, Uỷ ban MTTQ các cấp TP cần phấn đấu thực hiện tốt vai trò của mình trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và xây dựng Thủ đô, đất nước. Đồng thời, cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ để tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo sự nhất trí về chính trị và đồng thuận trong Nhân dân để phát triển Thủ đô.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP. Trong quá trình giám sát cần tập trung phát hiện tồn tại, vướng mắc để kiến nghị kịp thời với các cấp có thẩm quyền xử lý. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của người dân, báo chí, công luận. 

“Mật trận phải là nơi để người dân gửi gắm niềm tin và phản ánh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác đảng viên có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu Nhân dân để góp phần làm trong sạch bộ máy, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng ta cần nhận thức rằng, không có lực lượng giám sát nào hùng hậu, toàn diện và sâu sắc bằng sự giám sát của Nhân dân. Giám sát và phản biện xã hội là để tăng thêm sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận xã hội” -  Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, MTTQ TP phải đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà TP đề ra. Nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đổi mới hoạt động MTTQ các cấp theo hướng đa dạng hoá các cuộc vận động để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Để làm được, cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở phải quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận trong những năm tới.