Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm lớn về văn hóa của cả nước

Trần Long - Thanh Loan - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, mục tiêu là phải đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm lớn về văn hóa của cả nước....

Sáng 3/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở VH&TT Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc với Sở VH&TT.
Phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội
Báo cáo tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, công tác VH&TT Hà Nội năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 đã đạt được nhiều thành tích. Điểm nổi bật trong thời gian qua là Sở đã hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”. Tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình: Xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện; chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Chương trình; tổ chứcHội nghị tổng kết Chương trình; xây dựng, hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04 phục vụ công tác xây dựng văn kiện Đại hội XVII của Đảng bộ TP. Rà soát, tham mưu UBND TP về việc bố trí kinh phí xây dựng 239 nhà văn hóa thôn, làng trên địa bàn TP còn thiếu trên địa bàn TP. Tham mưu xây dựng Chương trình số 06 của Thành ủy nhiệm kỳ 2020 -2025 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trọng tâm là tuyên truyền, thực hiện 02 Quy tắc ứng xử được triển khai với nhiều hình thức, mô hình đổi mới, sáng tạo trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021. Công tác quản lý văn hóa và dịch vụ văn hóa tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, trọng tâm tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là những loại hình quảng cáo mới. Hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được nhiều kết quả; việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm. Tham mưu, trình UBND TP về việc hỗ trợ các huyện, thị xã tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 55 di tích xuống cấp nặng đang có nguy cơ sập đổ, đề nghị được hỗ trợ để chống sập đổ, bảo tồn khẩn cấp.
Ngoài ra, Sở VH&TT cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công các hoạt động phục vụ sự kiện chính trị, kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô. Công tác văn hóa, gia đình, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao… đều được quan tâm đầu tư.
 Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại cuộc làm việc

Thời gian tới, Sở VH&TT Hà Nội xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện. Đáng chú ý, Sở sẽ hoàn thiện dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội; xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa Thăng Long - Hà Nội trên nền tảng công nghệ 4.0; tham mưu UBND thành phố các chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) của TP Hà Nội khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo; triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức thi đấu tại SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11; phấn đấu đóng góp 30% lực lượng và 30% huy chương cho thể thao Việt Nam tại Đại hội.

Sở VH&TT Hà Nội đã nêu 5 nhóm kiến nghị với thành phố. Trong đó, Sở kiến nghị TP cho phép tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, thể thao như có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng không qua thi tuyển đối với những nghệ sĩ, vận động viên có thành tích xuất sắc; tiếp tục xây dựng thiết chế thể dục, thể thao ngoài trời giai đoạn 2 để phục vụ Nhân dân tập luyện, nâng cao sức khỏe...

Tại cuộc làm việc, các đơn vị đã tập trung thảo luận về những kiến nghị của Sở, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục hạn chế, thúc đẩy lĩnh vực văn hóa, thể thao Thủ đô phát triển xứng tầm.

 Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại cuộc làm việc.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy đánh giá, Hà Nội có sự quan tâm vận dụng linh hoạt để phát triển và đầu tư cho văn hóa, giúp mọi đối tượng người dân trên địa bàn TP được hưởng thụ đời sống văn hóa. Hà Nội thực hiện tốt hướng dẫn người dân thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, ứng phó chủ động với tình hình thực tiễn. Kết quả đó đã được Bộ VHTT&DL ghi nhận.
Khó khăn vướng mắc lớn nhất của văn hóa, thể thao Hà Nội trong thời gian qua là việc thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử, đặc biệt đối với Quy tắc ứng xử nơi cộng cộng trên địa bàn TP, chủ yếu bằng hình thức tuyên truyền, vận động, chưa có chế tài xử phạt đối với những trường hợp thực hiện không nghiêm túc. Hệ thống các cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị sự nghiệp đã được xây dựng từ lâu, hiện nay đã xuống cấp. Xã hội hóa các môn nghệ thuật truyền thống: Chèo, cải lương…; tu bổ, tôn tạo di tích ở vùng ngoại thành, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, tinh thần lấy văn hoá làm động lực để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững được thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Trong chương trình toàn khoá của TP cũng có Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hoá và Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025".

Theo Chủ tịch UBND TP, đằng sau những thuận lợi thì để phát triển được văn hoá cũng còn nhiều khó khăn, thách thức như: giữa bảo tồn và phát triển di sản; giữa kinh tế và văn hoá; giữa đặc thù văn hoá chung của cả nước và riêng có của Hà Nội. Để văn hoá Hà Nội thực sự phát triển, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho rằng: Cần nâng cao nhận thức, tiếp cận, thể hiện thông qua các Nghị quyết để triển khai. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư nguồn lực để thực hiện. Có cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài. Trước mắt, Sở VH&TT cần phối hợp với các ngành đẩy nhanh việc xử lý những bất cập còn tồn tại. Rà soát lại đề án về vị trí việc làm và tự chủ của từng đơn vị gắn với rà soát các thể chế văn hoá cũng như điều kiện hoạt động chuyên nghiệp.

  Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thế Cương báo cáo tại cuộc làm việc.
Tạo đột phá về chính sách để thúc đẩy văn hóa phát triển
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, cuộc làm việc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025". Bởi, văn hóa, thể thao của Hà Nội còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển nhưng hiện nay chưa được quan tâm đầu tư tương xứng và còn nhiều bất cập.
Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, Sở VH&TT Hà Nội cần tập trung đánh giá kỹ hơn về những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và xây dựng con người Hà Nội để tạo ra những bước chuyển biến mới về văn hóa, thể thao của Hà Nội. Mục tiêu là phải đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm lớn về văn hóa của cả nước.
Để thực hiện được, Bí thư Thành ủy yêu cầu, phải tập trung đổi mới về tư duy, tạo bước đột phá về chính sách và các giải pháp thúc đẩy văn hóa phát triển. Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoạt động theo cơ chế tự chủ; có cơ chế thu hút, đãi ngộ tài năng. 
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận cuộc làm việc
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo tập trung giải quyết ngay những kiến nghị của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở VH&TT. Còn đối với Sở VH&TT, nghiên cứu tham mưu đề xuất đổi mới chính sách phí tham quan các di tích văn hóa, lịch sử bảo đảm phù hợp các đối tượng, không để quá thấp như hiện nay.
“Sau cuộc làm việc này, các cơ quan TP cần vào cuộc quyết liệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy để tạo ra thay đổi thực chất. Nếu làm được thì vị thế của Thủ đô trong lĩnh vực văn hóa sẽ phát triển hơn; văn nghệ sĩ, vận động viên sống được bằng nghề” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.