Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che với những vi phạm

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời kiến nghị của cử tri về vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP cho biết, lãnh đạo TP rất bất bình, đau xót vì sai phạm của một số cán bộ ngành y tế như ở CDC Hà Nội. Tinh thần của Thành ủy, TP đồng tình phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không bao che vi phạm.

Chiều 6/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và các Đại biểu Quốc hội ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 5 đã tiếp xúc cử tri tại quận Bắc Từ Liêm, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV. 
Tham gia cuộc tiếp xúc cử tri còn có Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Bùi Huyền Mai.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri.
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc 
Tại cuộc tiếp xúc, đa số cử tri bày tỏ sự tin tưởng đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại, nâng cao vị thế của đất nước. Đặc biệt, sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời trong phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe, đời sống cho Nhân dân. Tuy nhiên, cử tri cũng thẳng thắn phản ánh nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến các vấn đề như: Môi trường; tham nhũng; cải tạo chung cư cũ; vướng mắc trong GPMB; xây dựng sai phép… 
Cử tri Tạ Quang Hiên (phường Phúc Diễn) cho rằng, trong khi cả nước đang đồng lòng chống lại dịch thì vẫn có những cán bộ lợi dụng cơ hội này để trục lợi, lợi ích nhóm. Bày tỏ sự bức xúc khi nói đến vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, cử tri này đề nghị Chính phủ, Bộ Công an xử lý nghiêm các cán bộ có biểu hiện tham nhũng để lấy lại niềm tin của Nhân dân. 
Còn cử tri Vũ Đức Diện (phường Xuân Đỉnh) bày tỏ băn khoăn, trong nhiều năm qua, công tác GPMB ở khắp các địa phương vẫn luôn gặp nhiều khó khăn, nan giải, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu là do mức bồi thường tái định cư đối với hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất còn rất thấp so với giá trị thị trường khu vực đó. Lấy dẫn chứng cụ thể từ Dự án đường sắt đô thị số  2 (tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), cử tri này phản ánh, giá đền bù đất chưa sát với giá thực tế nên người dân không đủ tiền mua nhà tái định cư để sinh sống.  Từ thực trạng trên, cử tri này đề nghị, khi xác định giá bồi thường, UBND TP Hà Nội cần tổ chức khảo sát, nghiên cứu kỹ càng giá đất thực tế tại khu vực thu hồi đất làm căn cứ mức tính giá bồi thường về đất cho các hộ dân.
 Cử tri quận Bắc Từ Liêm phát biểu ý kiến.
Trong khi đó, cử tri Đinh Duy Hoàng (phường Tây Tựu) phản ánh, dòng sông Pheo bắt nguồn từ huyện Đan Phượng chảy qua huyện Hoài Đức vào khu vực phường Tây Tựu và các phường quận Bắc Từ Liêm cứ đến mùa mưa lại xuất hiện hiện tượng xác động vật chết trôi dạt và nước xả thải màu đen của các công ty khu công nghiệp có mùi hôi rất khó chịu; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoa màu và cuộc sống Nhân dân. Từ đó, cử tri này đề nghị TP sớm quan tâm, xử lý vấn đề này cho người dân.
Công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành
Tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri quận Bắc Từ Liêm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, sẽ phản ánh đầy đủ với Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét để sớm giải quyết.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cảm ơn những đánh giá của cử tri quận Bắc Từ Liêm về chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thành ủy, Thành phố về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội là trọng điểm về dịch bệnh Covid-19 với 72.000 người phải cách ly và nhiều ổ dịch như ở Hạ Lôi, Trúc Bạch. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo T.Ư, ngay từ ca bệnh đầu tiên, đích thân lãnh đạo Hà Nội đã tổ chức họp giữa đêm để khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch. Theo đó, Thành ủy đã ban hành 36 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
“Hà Nội dù có 122 ca nhưng đến nay đã cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh. Nhờ đó, đã góp phần vào thành công chung của cuộc chiến dịch bệnh cả nước. Đây là dấu ấn mà không chỉ trong nước, quốc tế cũng đều đánh giá cao. Điều này đã chứng tỏ sự ưu việt của chế độ, hệ thống chính trị của Việt Nam. Thành công này có được là sự đồng lòng, đồng sức, sự chia sẻ của người dân. Nếu không có sự góp sức của người dân thì cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 sẽ khó có thể thành công” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Ghi nhận về ý tưởng “ATM gạo” được triển khai trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Bí thư Thành ủy đánh giá, ATM gạo đã trở thành thương hiệu của Việt Nam và nhiều nước hiện nay mới học theo để triển khai việc này.  Tuy nhiên, cử tri, người dân không nên chủ quan vì dịch bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp.
 Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri.
Trả lời kiến nghị của cử tri về vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết, lãnh đạo TP rất bất bình, đau xót vì sai phạm của một số cán bộ ngành y tế như ở CDC Hà Nội. Tinh thần của Thành ủy, TP đồng tình phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không bao che vi phạm. 
Đối với vấn đề vướng mắc trong GPMB cử tri nêu, Bí thư Thành uỷ cho biết, TP luôn thực hiện công tác này bảo đảm tính công khai, minh bạch theo quy định pháp luật và những gì có lợi, vận dụng được cho dân TP sẵn sàng sử dụng.
Liên quan băn khoăn cử tri đối với những bất cập trong dự án Cát Linh –Hà Đông, Bí thư Thành uỷ cho biết, đây là dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn TP và chủ đầu tư là Bộ GTVT. Tuy nhiên, TP sẽ tiếp nhận dự án cũng như toàn bộ tiền đầu tư và sẽ nhận trách nhiệm vận hành để trả nợ. Đối với kiến nghị của cử tri trong xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân, các đại biểu sẽ chuyển tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm rõ.
Với sai phạm tại Dự án 8B Lê Trực mà cử tri nêu ra, Thường trực Thành uỷ đã có kết luận giao Ban Cán sự UBND TP tổ chức thực hiện nghiêm theo thông báo Thủ tướng và đảm bảo xử lý nghiêm sai phạm, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp các bên liên quan. Quan điểm xử lý nghiêm, kiên quyết và thận trọng theo đúng quy định.
Với vấn đề cải tạo chung cư cũ, TP luôn quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện cải tạo. Tuy nhiên, hiện nay nếu sửa chữa các khu này theo đúng quy hoạch thì không đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư khi bỏ ra chi phí cải tạo và ngược lại. Hiện nay, Thành uỷ đang chỉ đạo TP hoàn thiện đề án và lấy ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ có phương án hỗ trợ để sớm cải tạo các chung cư này nhằm đảm bảo cuộc sống người dân, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị của TP.