Kiên Giang quyết tâm đến 20/9 trở thành vùng "bình thường mới"

Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kiên Giang sẽ “khẩn trương, thần tốc, quyết liệt” triển khai các giải pháp đáp ứng với tình hình mới. Trong đó nổi bật là quan điểm lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ… Kiên Giang phấn đấu đến ngày 20/9, sẽ cơ bản chuyển hóa vùng nguy cơ cao và rất cao thành vùng bình thường mới.

Vì sao “xanh” chuyển nhanh thành “đỏ”
Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lý giải việc nhiều địa phương trong tỉnh “đang từ vùng xanh chuyển nhanh sang vùng đỏ” là do sự quản lý lỏng lẻo ở chỗ này, chỗ kia ngoài cộng đồng. Nhiều địa phương thực hiện chưa nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như công tác quản lý tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa chưa chặt chẽ.
Một chốt kiểm soát ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. 
Vấn đề nữa, khi Bộ Y tế có chủ trương và bố trí sinh phẩm để xét nghiệm diện rộng, tỉnh tiến hành xét nghiệm trong toàn dân nhưng ưu tiên làm các khu nguy cơ cao. Qua đó, phát hiện và bóc tách nhiều ca F0 trong cộng đồng, và đây cũng là yếu tố góp phần làm Kiên Giang chuyển từ "vùng xanh" sang "vùng đỏ". Trong khi đó, ở một số nơi chưa thật sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của cấp ủy đảng; chưa phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng; một bộ phận nhân dân chưa tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch.
Tại TP Rạch Giá, mặc dù trên địa bàn có trên 50 khu vực phong tỏa, cách ly y tế vì có F0 nhưng vẫn có tình trạng hàng quán bán thức ăn, tiểu thương buôn bán tự phát ở vỉa hè. Thậm chí ở trong khu phong tỏa, cách ly vẫn còn tình trạng người dân tụ tập “tám chuyện” uống cà phê, uống rượu.
Đây là những lý do dịch bệnh tại TP Rạch Giá lây lan nhanh với hơn 1.000 ca bệnh. Còn tại huyện Kiên Lương, một vùng đang xanh nhưng ngày 28/8, một công ty thực hiện mô hình “3 tại chỗ” bùng phát ổ dịch 65 ca F0, 80 ca F1. Ngành chức năng huyện này còn phát hiện thêm 4 F0 ngoài cộng đồng. Điều này cho thấy công tác phòng, chống dịch ở địa phương chưa sâu sát.
Sẽ “bình thường mới” vào đầu tuần sau
Trao đổi với phóng viên chiều 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết: Kiên Giang trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đối với tình hình của tỉnh. Đặc biệt là sự “lo lắng” của Thủ tướng đối với dịch bệnh trong những ngày qua ở Kiên Giang. Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc ngày 13/9, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã khẩn trương vận dụng vào điều kiện thực tiễn sát với đặc thù từng địa phương, khu vực, tới từng xã, ấp, khu phố để phòng, chống “giặc” Covid-19.
Kiên Giang đã nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế... Từ đó, xác định rõ nền tảng để đề ra các giải pháp khắc phục khả thi, với lộ trình hợp lý và nhất là phù hợp với điều kiện đặc thù địa lý, dân sinh của địa phương. Với phương châm “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết”.
Tăng cường kiểm tra kiểm soát tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. 
Trên cơ sở quán triệt vận dụng chỉ đạo của Thủ tướng, Kiên Giang sẽ “khẩn trương, thần tốc, quyết liệt” triển khai các giải pháp đáp ứng với tình hình mới. Trong đó nổi bật là quan điểm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Trên nền tảng đó, Kiên Giang phấn đấu đến ngày 20/9, sẽ cơ bản chuyển hóa "vùng nguy cơ cao và rất cao" thành "vùng bình thường mới".
Về giải pháp, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh: Trước hết là điều chỉnh công tác sàng lọc, khẩn cấp bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Theo đó, tỉnh huy động, tập trung nhân, vật lực để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Cụ thể, thực hiện xét nghiệm tăng cường ở các vùng cơ nguy cơ cao và rất cao với “tốc độ thần tốc” để nhanh chóng phát hiện và bóc tách kịp thời các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.
Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng quyết liệt thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội; triển khai các tổ an sinh xã hội đến từng địa bàn có người dân bị phong tỏa để hỗ trợ, chăm lo đời sống cho Nhân dân; đặc biệt là thành lập Trạm y tế lưu động theo chỉ đạo của Thủ tướng để người dân được tiếp cận y tế sớm nhất từ cơ sở.
Tập trung vào các nội dung cụ thể là quản lý chặt chẽ việc di chuyển trên các tuyến giao thông, đồng thời quản lý nghiêm túc các địa bàn nóng như khu cách ly, phong tỏa tại TP Rạch Giá, TP Hà Tiên, huyện Hòn Đất, huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành. Công tác này được duy trì trên cơ sở phối kết hợp giữa tinh thần trách nhiệm cao của lực lượng làm nhiệm vụ với việc ứng dụng công nghệ trong kiểm soát như camera giám sát, flycam,… theo phương châm “sạch đến đâu, khoanh vùng bảo vệ chặt đến đó”.
Kiến nghị ưu tiên vaccine cho Kiên Giang
Ông Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: Để công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn được triển khai chủ động và hiệu quả hơn, Ban Chỉ đạo tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế tiếp tục quan tâm xem xét, ưu tiên phân bổ vaccine phòng Covid-19 cho Kiên Giang vì đây là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ rất cao dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài và các tỉnh có dịch về.
Đặc biệt, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo triển khai thực hiện việc thí điểm hộ chiếu vaccine trên đảo Phú Quốc, với mục tiêu từ nay đến cuối năm 2021 đón 2 - 3 triệu lượt du khách. Chủ trương thí điểm hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến Phú Quốc cũng đã được nêu rõ tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn vaccine cho Phú Quốc vẫn chưa được phân bổ đầy đủ, vì thế việc thực hiện mục tiêu sẽ gặp khó khăn. Hiện nay, mới chỉ có khoảng 35% dân số trên đảo được tiêm mũi 1.