Bị tố “đạo văn”, GS Nguyễn Đức Tồn đề nghị thành lập ban thẩm tra

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS.TS Nguyễn Đức Tồn đang rất mong chờ các cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành thẩm tra vấn đề một số báo đưa tin ông bị tố “đạo văn”.

GS.TS Nguyễn Đức Tồn và đơn kiến nghị gửi Thủ tướng
Chiều tối 23/5, GS.TS Nguyễn Đức Tồn - thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học cho biết, ngày 20/5 ông đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc ông bị tố “đạo văn”.
Trong đơn kiến nghị, GS Nguyễn Đức Tồn nêu rõ, chiều 18/5/2018 đã nhận được công văn của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) yêu cầu Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học (HĐCDGSNNNH) khẩn trương kiểm tra việc "đạo văn" của ông.

“Tôi hoàn toàn nhất trí và cũng đang rất mong chờ cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm tra vấn đề được một số báo đưa tin có liên quan đến tôi để xác định và kết luận rõ ràng tôi có "đạo văn" hay không” - ông Nguyễn Đức Tồn viết trong đơn kiến nghị. Ông Tồn cũng đề nghị việc thẩm tra việc “đạo văn” phải được tiến hành một cách thận trọng, theo đúng pháp luật vì đây là vấn đề hết sức hệ trọng, không chỉ liên quan đến sinh mạng khoa học, sinh mệnh chính trị và nhân phẩm công dân của cá nhân ông mà còn là uy tín của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Mặt khác, việc này cũng liên quan đến uy tín, chất lượng hoạt động của Hội đồng chức danh giáo sư các cấp năm 2009 - ông Tồn được xét phong học hàm GS.

Ông Tồn đề nghị thành lập Ban thẩm tra phải bao gồm các thành viên có chuyên môn và đảm bảo sự công tâm, khách quan. Không cử vào Ban thẩm tra 2 người là thành viên của HĐCDGSNNNH ở thời điểm hiện tại là ông Trần Ngọc Thêm và ông Phạm Hùng Việt. Trong đoàn thẩm tra cần có các đại diện của Vụ Pháp lý và Thanh tra của Bộ GD&ĐT.

GS bị tố “đạo văn” cũng kiến nghị tài liệu thẩm tra cần phải đầy đủ và đảm bảo tính hợp pháp, trong đó có Hồ sơ đề nghị xét phong GS năm 2009 của ông đang lưu tại HĐCDGSNN phải được niêm phong, đảm bảo đúng hồ sơ gốc để chuyển cho Ban thẩm tra, không tùy tiện lấy bất cứ cuốn nào trên thị trường để thẩm định. Thời gian và quy trình thẩm tra cần chặt chẽ, tránh sự dồn ép, vội vàng, cần phải đảm bảo thực hiện các công đoạn thẩm tra trung thực, đúng luật định để có kết luận chính xác, đúng người đúng tội, tránh gây oan sai.

Trong đơn kiến nghị, ông Tồn cũng kính đề nghị Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải chỉ đạo xem xét tất cả các trường hợp tương tự khác cũng đã được thông tin đại chúng phản ánh đạo văn (chẳng hạn như trường hợp ông Trần Ngọc Thêm về các công trình: “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ”), để đảm bảo kỷ cương và sự bình đẳng của các công dân trước pháp luật.

Trước đó, một số phương tiện truyền thông phản ánh GS Nguyễn Đức Tồn - thành viên Hội đồng CDGSNNNH, hiện đang công tác tại Viện Ngôn ngữ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bị tố “đạo văn” gần như toàn bộ nội dung trong 2 cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt” (luận án PTS. của Nguyễn Thúy Khanh) và cuốn “Những vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường” (bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà).

Thông tin với báo chí về việc này, GS Trần Ngọc Thêm - Chủ tịch HĐCDGSNNNH cho biết, trong kỳ họp của Hội đồng chức danh giáo sư ngành năm 2009, có 10 thành viên, các ý kiến phát biểu đều nhận định ông Tồn có lỗi và đã trả giá trong 7 năm qua, 2 lần hồ sơ không được thông qua… Và với tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam, vì sự đoàn kết và phát triển chung của ngành, các thành viên Hội đồng đã đồng ý đưa ông Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ông Tồn đã được thông qua với số phiếu 10/10.

Trước những thông tin báo chí phản ánh ông Tồn bị tố “đạo văn”, ngày 17/5, Thường trực HĐCDGSNN đã đề nghị HĐCDGSNNNH khẩn trương kiểm tra và có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi HĐCDGSNN trước ngày 1/6/2018 để xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần