Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến đổi khí hậu tăng ung thư, giảm tỷ lệ sống sót

Trung Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biến đổi khí hậu đã gây ra những thảm họa thời tiết thường xuyên hơn như bão, cháy rừng..., giải phóng các chất gây ung thư chết người vào cộng đồng và trì hoãn việc điều trị chúng.

Ngôi nhà bị tàn phá khi cơn bão Maria đi qua vào ngày 27/9/2017 tại Corozal, Puerto Rico. 
Theo một báo cáo mới từ các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Đại học Harvard, biến đổi khí hậu đang cản trở tiến trình phòng chống ung thư và tăng số người tiếp xúc với các chất gây ung thư chết người.
Nhiệt độ nóng hơn trên toàn thế giới đã thúc đẩy các thảm họa thiên tai thường xuyên hơn như bão và hỏa hoạn, giải phóng một lượng lớn chất gây ung thư vào cộng đồng và trì hoãn tiếp cận điều trị ung thư.
Các nhà khoa học đã viết trong một báo cáo mới trên tạp chí CA - Tạp chí về ung thư rằng: “triển vọng trong tiến trình phòng ngừa và kiểm soát ung thư trong thế kỷ này rất sáng sủa nhưng phải đối mặt với những mối đe dọa dễ bị bỏ qua như biến đổi khí hậu”.
Chẳng hạn, tháng 8 năm 2017, cơn bão Harvey đổ bộ vào Texas và Louisiana đã gây ra trận lụt thảm khốc khiến các nhà máy hóa chất và nhà máy lọc dầu tràn ngập và thải các chất gây ung thư vào các khu phố ở Houston, thành phố lớn thứ tư của Hoa Kỳ.
Các nhà nghiên cứu cho biết chu kỳ bán hủy của một số chất gây ung thư được phát hiện sau cơn bão Harvey lên tới 50 năm. Một số khu vực ở Houston đã trải qua mức độ cao hơn của bệnh bạch cầu ở trẻ em do nồng độ hóa chất quá mức trong không khí.
Người dân vượt qua một khu phố bị ngập lụt sau trận mưa lớn do cơn bão Harvey gây ra vào ngày 28/8/2017 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ. 
Biến đổi khí hậu cũng làm cho các mùa cháy rừng kéo dài và tàn phá hơn ở Hoa Kỳ, giải phóng các chất ô nhiễm tồn tại trong không khí trong nhiều tháng sau khi ngọn lửa tan biến.
Năm 2018, California đã trải qua mùa cháy rừng tàn khốc và tàn phá nhất được ghi nhận với tổng số 8,527 ngọn lửa đốt cháy gần 2 triệu mẫu Anh. Khói bay khắp New England, trong khi khu vực Vịnh San Francisco là một trong những nơi có mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới lúc bấy giờ.
Thảm họa thiên tai cũng làm giảm tỷ lệ sống sót sau khi bị mắc ung thư. Một nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn 19% khi các thảm họa có thể ảnh hưởng đến quá trình trị liệu vì bị gián đoạn điều trị so với bệnh nhân được tiếp cận chăm sóc thường xuyên.
Các tác giả viết thêm rằng đối với bệnh nhân mắc bệnh ung thư, ảnh hưởng của cơn bão đối với việc tiếp cận chăm sóc ung thư có thể có nghĩa là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.
Năm 2018, cơn bão Maria tấn công Puerto Rico đã khiến một số nhà máy ngừng hoạt động cung cấp túi chất lỏng IV cứu sống cho các bệnh viện ở Hoa Kỳ, gây ra sự thiếu hụt tại các cơ sở ung thư trên toàn quốc.
Lính cứu hỏa chiến đấu với một đám cháy lớn ở phía Bắc Los Angeles, California, Hoa Kỳ ngày 9/12/2017. 
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong số 2 trên toàn cầu. Theo các nhà nghiên cứu, gần 10 triệu người trên toàn thế giới sẽ chết vì ung thư trong năm nay.
Một số trung tâm điều trị ung thư đã cố gắng thích ứng với các mối đe dọa do khí hậu bằng cách thực hiện các kế hoạch để hỗ trợ khả năng phục hồi sau các thiên tai lũ lụt có thể xảy ra trong tương lai.
Các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu nói chung có thể có lợi cho việc ngăn ngừa ung thư bằng cách giảm phát thải khí nhà kính có hại. Các nhà khoa học kêu gọi các biện pháp can thiệp như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất bền vững và giảm lượng thịt đỏ và thịt chế biến.
Leticia Nogueira, nhà khoa học tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và là tác giả của báo cáo cho biết: “Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa trong tương lai nữa mà nó đang tác động đến kết quả việc điều trị căn bệnh ung thư ngày nay và có những việc chúng ta có thể hành động để đối phó với tình trạng này”.