Biến động khó lường

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù giá vàng, giá USD tháng 1/2017 so với tháng 12/2016 đều giảm; tháng 2/2017 so với tháng 1/2017 và so với tháng 12/2016 tăng không nhiều, nhưng không thể chủ quan, bởi vàng và USD là nơi “trú ẩn” mà các nhà đầu tư và người tiêu dùng tìm đến, trong khi diễn biến giá của vàng, USD rất khó lường.

Giá vàng trong nước phụ thuộc vào 3 yếu tố chủ yếu: Giá vàng trên thị trường thế giới, tỷ giá VND/USD và yếu tố tâm lý. Giá vàng trên thế giới xu hướng chung là giảm, nhưng phụ thuộc vào diễn biến kinh tế Mỹ, vào việc tăng lãi suất đồng USD của nước này cùng những biến động khác trên thế giới. Tỷ giá VND/USD cao lên thì giá vàng trong nước sẽ tăng.
Hiện tại, chênh lệch giá vàng ở trong nước với giá vàng thế giới không còn cao như trước đây, đã giảm xuống còn khoảng 2 triệu đồng/lượng - nhưng đó là mức lớn (trên 5% so với 1%). Tính từ đầu năm đến 15/2, xuất khẩu đá quý, kim loại quý giảm so với cùng kỳ năm trước (40,1 triệu USD so với 48,8 triệu USD); nhập khẩu tuy cao hơn xuất khẩu, nhưng lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (52,5 triệu USD so với 81,7 triệu USD). Tâm lý “tích cốc phòng cơ” của người dân nếu cộng hưởng với tâm lý đầu tư, đầu cơ theo phong trào hoặc hoảng loạn thái quá trước tin đồn... sẽ làm cho thị trường này mất ổn định, nhiều người bị thua thiệt lớn khi mua ở đỉnh, bán ở đáy.

Tỷ giá VND/USD tuy cơ bản ổn định, nhưng vẫn đứng trước 3 áp lực. Giá USD trên thị trường thế giới có xu hướng tăng lên. Nhập khẩu tăng về lượng cộng hưởng với giá hàng hóa nhập khẩu tăng sẽ làm cho Việt Nam chuyển từ vị thế xuất siêu trong năm trước sang nhập siêu trong năm nay, gây áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể, đến dự trữ ngoại hối và sự ổn định của tỷ giá. Lãi suất đồng USD có thể tăng với nhịp độ nhanh hơn, với tỷ lệ cao hơn, sẽ làm cho tỷ giá nội tệ/USD của các đối tác thương mại lớn cũng như của Việt Nam tăng...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần