Biển người chen chúc, “mưa tiền lẻ” trong ngày khai ấn đền Trần

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rạng sáng 19/2 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), đền Trần chính thức khai hội và tổ chức lễ phát ấn, hàng nghìn du khách và người dân địa phương đến dâng hương, lễ bái, du Xuân. Một lần nữa, nhiều hình ảnh phản cảm lại tiếp tục xảy ra tại ngày khai ấn.

Người dân chen chân đội lễ chờ giờ khai ấn.

Mở đầu chương trình khai hội, đoàn đại biểu T.Ư và tỉnh Nam Định làm lễ dâng hương, rước kiệu từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường trong không khí trang trọng, linh thiêng. Ngay sau khi đoàn đại biểu T.Ư hoàn tất công tác dâng hương và rời đi thì xuất hiện một số đại biểu (thời điểm này chưa mở cửa cho người dân vào đền và "cung cấm" vẫn đang được thắt chặt an ninh, hạn chế người ra vào) đã cố tình chạy về cửa "cung cấm" với mục đích được vào lễ bái. Lực lượng công an, bảo vệ đã phải việc vất vả trước cũng như sau khi khai ấn.
Đúng 22 giờ 50 phút, nghi lễ rước kiệu ấn được cử hành trang trọng theo đúng nghi thức truyền thống, với sự tham gia của 120 người là đại diện cho các tầng lớp nhân dân làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP Nam Định. Ấn được rước từ đền Cố Trạch - nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, nơi đặt bài vị của 14 vị vua Trần để làm lễ khai Ấn.
Đoàn rước kiệu ấn tiến vào đền Thiên Trường. Ảnh: Thiên Tuấn

Khi kiệu ấn đi gần đến cổng đền Thiên Trường, bất chấp việc Ban tổ chức kêu gọi và tuyên truyền việc sẽ “xử lý” những người ném tiền lẻ vào kiệu rước ấn. Đặc biệt, một số người có mặt trong đền Thiên Trường dự lễ Khai ấn lại chính là đại biểu, khách mời của Ban tổ chức.
Bên cạnh đó, một chiếc kiệu rước ấn còn được "bao bọc" bởi đoàn rước và lực lượng an ninh nghiêm cấm ai đến gần, đụng chạm nhưng mỗi khi có người "gửi tiền" vào kiệu thì những người này lại sẵn sàng đón nhận và nhét vào trong kiệu hoặc tự ý lấy tiền trong kiệu ra để "phát lộc" gây ra sự phản cảm.
Đúng 23 giờ 50 phút, cổng đền Trần chính thức được mở cửa để hàng nghìn du khách và người dân địa phương vào hành lễ. Lượng người đông đúc chờ đợi trong thời gian dài cùng tâm lý được lễ bái nên đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, dẫm lên chân nhau mà ùa vào đền. Tình cảnh phức tạp cũng đã khiến một số du khách bị trộm mất đồ.
Nghi thức dâng hương, khai ấn tại đền Trần. Ảnh: Thiên Tuấn

Dù lực lượng an ninh đã ngăn cản nhưng nhiều người dân vẫn chen lấn để vào đền. Ảnh: Thiên Tuấn

Nhiều người dân cố tình ném tiền lẻ vào kiệu.
Trước một hình ảnh phản cảm cũng như sự biến tướng của lễ khai ấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Thư cho rằng, có chăng chỉ bàn đến công tác tổ chức: “Dân gian ta có câu “Vui xem mát, nhà xem bơi, tả tơi xem hội”, cho nên khâu tổ chức khó tránh được chuyện này, chuyện khác. Lễ hội đền Trần hôm nay khác với ngày xưa bởi vì trước đây tục này chỉ diễn ra ở làng Túc Mặc, trong một không gian hẹp. Nay điều kiện kinh tế phát triển, đường xá thuận lợi, di tích được tu sửa nên việc mở rộng lễ hội để mọi người cùng chứng kiến, tham gia. Có chăng chỉ là công tác tổ chức, bảo đảm an ninh trật tự và văn hóa ứng xử trong lễ hội".
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thư còn cho biết, ngày trước các lễ hội diễn ra trong không gian thiêng, đó là nơi thờ các Thánh, nhân vật lịch sử thì họ đến họ tả tơi một cách thỏa thuê, mọi hoạt động đều có Thánh chứng giám. Hiện giờ nhiều người lại nhận thức bằng sự chiếm đoạt, trục lợi cá nhân, dùng sức lực để chiếm đoạt đến sứt đầu, mẻ trán và đang hiểu một cách nông cạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần