Biến phế thải thành than sạch - Lợi ích kép

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo lắng trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ làng nghề ở địa phương, ông Nguyễn Văn Thảo (ở thôn Bộ Ðầu, xã Vạn Ðiểm, huyện Thường Tín) đã mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất than sinh học khép kín (than sạch) từ nguyên liệu mùn cưa - phế phẩm bỏ đi của các làng nghề chế biến gỗ.

Mùn cưa được làm sạch và tự động chuyển vào hệ thống ép phôi.

Xã Vạn Ðiểm (huyện Thường Tín) từ lâu đã nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Nhờ có nghề mộc, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; tạo công ăn, việc làm, tăng thu cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề đã kéo theo nhiều hệ lụy. Hàng trăm tấn phế thải từ quá trình sản xuất như mùn cưa, đầu mẩu gỗ được người dân đổ ra vệ đường, bãi đất trống, thậm chí tràn xuống ao hồ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Nhận thấy việc phế thải làng nghề bị vứt bỏ lãng phí, năm 2015, ông Nguyễn Văn Thảo, ở thôn Bộ Ðầu, xã Vạn Ðiểm đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng tái chế mùn cưa thành than sinh học, với quy trình sản xuất khép kín. 
Chúng tôi đến xưởng sản xuất than sạch ở xã Vạn Điểm khi xưởng đang được nung những mẻ than mới. Anh Tạ Văn Dương - người quản lý xưởng cho biết, quy trình sản xuất than sạch khá phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm và sự tinh tế. Mùn cưa sau khi gom về đưa vào sấy khô, sau đó làm sạch bằng cách bỏ đi các tạp chất rồi cho vào ép nhiệt cho ra phôi. Phôi được xếp vào lò ủ ém khí trong vòng 7 - 8 ngày để hết khói, sau đó cho vào lò luyện than trong vòng 1 ngày, đậy lại trong vòng 2 - 3 ngày, xong phun nước để giải nhiệt và để than chắc hơn. Tiếp tục để than trong vòng 3 ngày nữa để hơi nước bốc đi và nguội, sau đó mới ra lò. Anh Dương cũng cho biết, trong quá trình luyện than, phải nhìn khói tỏa lên từ lò để phán đoán và có phương án điều chỉnh phù hợp thì mới có mẻ than đạt chất lượng.
 Than sạch sau khi ra lò.
Sản phẩm sau khi ra lò có dạnh hình ống dài, trông giống than củi, nhưng nhờ được đốt trong môi trường yếm khí nên nhiệt lượng cao, thời gian cháy kéo dài và không khói bụi, không mùi, giảm tác hại đến môi trường. Với diện tích 1.000m2, trung bình mỗi ngày, xưởng sản xuất than sạch ở Vạn Điểm sử dụng hết 15 tấn nguyên liệu và cho ra lò khoảng 3 tấn than thành phẩm. Với giá bán 8.000 - 9.000 đồng/kg, rẻ hơn than hoa và than củi, toàn bộ lượng than sạch làm ra không đủ phục vụ nhu cầu khách hàng. Sản phẩm được bán chủ yếu cho các nhà hàng chuyên về đồ nướng của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nhà hàng Việt Nam ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Sản phẩm được đóng hộp để chuyển đến tay khách hàng.
Từ khi xưởng sản xuất đi vào hoạt động, các hộ dân trong xã rất ủng hộ. Nhiều cơ sở còn cho mùn cưa, đầu mẩu gỗ. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, phần lớn lượng mùn cưa tồn đọng tại các cơ sở sản xuất, hộ gia đình đã được thu gom. Lượng mùn cưa đổ bừa bãi cũng nhanh chóng được thu gom sạch sẽ. Không chỉ giải quyết lượng mùn cưa tại xã Vạn Ðiểm, xưởng sản xuất còn giúp xử lý một lượng lớn chất phế thải tại các làng nghề mộc lân cận tại huyện Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai...

Anh Tạ Văn Dương cho biết, người dân rất phấn khởi vì không còn lo lắng việc xử lý chất thải, mà có người đến tận nhà thu mua. Nguy cơ mất an toàn cháy nổ cũng giảm bớt. Thay đổi lớn nhất là người dân có ý thức dọn dẹp nhà xưởng, bảo vệ môi trường sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Nhiều hộ đã thu gom, đóng mùn cưa vào bao tải trong khi chờ người chuyển đi xử lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần