Biến thể Omicron có vượt trội hơn Delta?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Nam Phi, biến thể Omicron dự kiến ​​sẽ kích hoạt đợt bùng phát thứ tư, với số ca nhiễm theo ngày lên đến 10.000 vào cuối tuần từ khoảng 2.270 ngày 29/11 vừa qua.

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV2 được phát hiện ở miền nam châu Phi có khả năng là “ứng viên” khả dĩ có độ nguy hiểm “vượt qua” biến thể Delta, giám đốc viện bệnh truyền nhiễm của Nam Phi hôm 30/11 cho biết.
Việc phát hiện ra biến thể Omicron đã gây ra làn sóng siết chặt đi lại trên toàn cầu với Nam Phi do lo ngại biến thể này có thể lây lan nhanh chóng ngay cả trong những người đã được tiêm chủng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đây là biến thể “đáng quan ngại” và nó có nguy cơ lây nhiễm cao.
 Nam Phi được đánh giá cao khi sớm cảnh báo toàn cầu sau khi biến thể Omicron xuất hiện lần đầu tại quốc gia này. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi vẫn hay tự hỏi sẽ xuất hiện biến thể vượt trội hơn Delta? Và có lẽ là biến thể này là câu trả lời", Adrian Puren, quyền giám đốc điều hành Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD ), chia sẻ với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Nếu Omicron được chứng minh có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Delta, nó có thể dẫn đến sự gia tăng đột biến số ca mắc mới, đặt áp lực lên các bệnh viện.
Giám đốc NICD Puren cho biết, trong vòng 4 tuần tới, các nhà khoa học cần tìm hiểu khả năng kháng miễn dịch do vaccine tạo ra hoặc miễn dịch tự nhiên tạo ra sau khi phục hồi khỏi Covid-19 của Omicron ở mức độ nào và liệu nó có dẫn đến các triệu chứng lâm sàng tồi tệ hơn các biến thể khác hay không.
Theo miêu tả của các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Nam Phi, biến thể Omicron dường như gây ra các triệu chứng nhẹ, bao gồm ho khan, sốt và đổ mồ hôi ban đêm. Tuy nhiên các chuyên gia đã cảnh báo hiện chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn.
Ông Puren cũng cho biết hiện chưa thể khẳng định số ca mắc biến thể Omicron sẽ vượt qua Delta ở Nam Phi, tuy nhiên thực tế là số ca bệnh bắt đầu gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở tỉnh Gauteng đông dân nhất.
Biến thể Delta đã thúc đẩy làn sóng Covid-19 thứ ba ở Nam Phi, với đỉnh điểm là hơn 26.000 ca mỗi ngày vào đầu tháng 7. Theo đó, biến thể Omicron dự kiến ​​sẽ kích hoạt đợt thứ tư, với số ca nhiễm theo ngày lên đến 10.000 vào cuối tuần từ khoảng 2.270 ngày 29/11 vừa qua.
Bà Anne von Gottberg, nhà vi sinh vật học lâm sàng tại NICD, cho biết có vẻ như tình trạng gia tăng ca nhiễm mới đang xuất hiện trên cả nước.
Thông tin NICD đưa ra trước đó cho biết, tình trạng trẻ sơ sinh dưới hai tuổi mắc Covid-19 phải nhập viện gia tăng rất đáng quan tâm. Tuy nhiên chuyên gia von Gottberg cảnh báo không nên liên kết điều đó với Omicron.
"Có vẻ như trên thực tế, một số ca nhập viện có thể đã bắt đầu trước khi xuất hiện Omicron. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng đã có sự gia tăng các trường hợp cúm chỉ trong tháng trước hoặc lâu hơn, và vì vậy chúng tôi cần phải thực sự cẩn thận để xem xét các bệnh về đường hô hấp khác," chuyên gia này cho biết.
Nam Phi đã được ca ngợi vì đã sớm cảnh báo cộng đồng khoa học toàn cầu và WHO về Omicron - một động thái dũng cảm trước những thiệt hại mà các hạn chế đi lại áp đặt bởi nhiều quốc gia bao gồm cả Anh sẽ gây ra cho lĩnh vực du lịch quan trọng của nước này. Nước này cho đến nay đã ghi nhận gần 3 triệu ca nhiễm Covid-19 trong đại dịch và hơn 89.000 ca tử vong, nhiều nhất ở lục địa châu Phi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần