Biến thể virus gây bệnh Covid-19 ở Ấn Độ: Đáng lo ngại hay không?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn chục quốc gia đã báo cáo những trường hợp đầu tiên tại nước mình nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ, còn được gọi là B.1.617, trong bối cảnh Ấn Độ đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 2 lây lan với tốc độ chóng mặt. Vậy giới khoa học hiện đã biết những gì về biến thể này và đánh giá ra sao về mức độ nguy hiểm của nó?

Bệnh nhân Covid-19 tiếp nhận oxy miễn phí ở Ghaziabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Giới khoa học Ấn Độ và nhiều quốc gia lo ngại

Thuộc biến thể B.1.617, cả 2 đột biến B.1.617.1 và B.1.617.2 lần đầu tiên được báo cáo ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, và sau đó được phát hiện với tỷ lệ ngày càng tăng trong làn sóng thứ 2 đang bùng phát tại quốc gia Nam Á. B.1.617.3 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, nhưng đến nay ít trường hợp được ghi nhận có liên quan đến đột biến này.

Tại Ấn Độ, cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch liên quan đến biến thể mới được đưa ra vào đầu tháng 3 năm nay, bởi Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 của Ấn Độ (INSACOG) - một diễn đàn đặc biệt gồm các cố vấn khoa học, được Chính phủ New Dehil thành lập vào cuối tháng 12/2020, nhằm phát hiện các biến thể gen của virus SAR-CoV-2 có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng.

INSACOG đã chia sẻ các phát hiện của mình với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia (NCDC) của Bộ Y tế Ấn Độ trước ngày 10/3. Vào thời điểm đó, INSACOG đã bắt đầu chuẩn bị một dự thảo tuyên bố truyền thông cho Bộ Y tế, trong đó khuyến cáo: Biến thể mới của Ấn Độ có 2 đột biến đáng kể đối với phần mà virus dùng để bám vào tế bào trong cơ thể con người và nó đã được tìm thấy từ 15 - 20% mẫu xét nghiệm từ Maharashtra - bang hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Ấn Độ.

Dự thảo này cũng cho rằng các loại đột biến có trong biến thể B.1.617, gồm E484Q và L452R, thuộc dạng “lo ngại cao” (high concern). Bởi “đã có dữ liệu cho thấy E484Q có khả năng thoát khỏi các kháng thể trung hòa cao, và L452R là nguyên nhân làm tăng khả năng lây truyền và mất khả năng miễn dịch”.

Nói cách khác, về cơ bản, điều này có nghĩa là các đột biến này của virus có thể dễ dàng xâm nhập vào tế bào con người và chống lại phản ứng miễn dịch của người đó với nó.

Mặc dù thông báo về biến thể mới của Bộ Y tế Ấn Độ, đưa ra ngày 24/3, không đề cập đến mức độ “lo ngại cao” như giới khoa học nước này khuyến cáo, một số cơ quan y tế quốc gia, bao gồm cả ở Mỹ và Anh, sau đó đã xếp B.1.617 là một “biến thể đáng lo ngại” (variant of concern) - trong thang 3 mức độ gồm: Biến thể đáng quan tâm (variants of interest); biến thế đáng lo ngại (variant of concern) và biến thể gây hậu quả nghiêm trọng (variants of high consequence).
Tại một lò hỏa táng nạn nhân Covid-19 ở New Dehil. Ảnh: Reuters
Quan điểm gây tranh cãi của WHO

Trong báo cáo ra ngày 27/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể virus ở Ấn Độ đã được tìm thấy ở ít nhất 17 quốc gia, bao gồm Anh, Thụy Sĩ, Mỹ, Iran, Singapore… Các nước láng giềng của Ấn Độ, như Sri Lanka và Bangladesh, gần đây đã báo cáo những trường hợp nhiễm đầu tiên của biến thể này tại quốc gia mình. Theo BBC, hiện ghi nhận tổng cộng 298 trường hợp ở Ấn Độ và 656 trên toàn thế giới có liên quan đến biến thể B.1.617.

Tuy nhiên, báo cáo WHO đã không tuyên bố đột biến ở Ấn Độ là một “biến thể đáng lo ngại”, như đã làm trước đó đối với các biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, Brazil và Nam Phi, mà thay vào đó là “biến thể đáng quan tâm”.

Cần lưu ý, nhãn “biến thể đáng lo ngại” sẽ cho thấy biến thể đó nguy hiểm hơn phiên bản gốc của virus, bởi khả năng lây truyền cao hơn, dễ gây chết người hơn, hoặc có thể vượt qua khả năng bảo vệ của vaccine.

Cho rằng WHO nên thay đổi đánh giá này, Tiến sĩ Soumya Swaminathan - nhà khoa học hàng đầu tại tổ chức y tế của Liên Hợp quốc lập luận: “B.1.617 có thể là một biến thể đáng lo ngại vì nó có một số đột biến làm tăng khả năng lây truyền, và cũng có khả năng làm cho nó kháng với các kháng thể được tạo ra do tiêm chủng hoặc do nhiễm trùng tự nhiên”.

“Các đặc điểm dịch tễ học mà chúng ta thấy ở Ấn Độ lúc này cho thấy rằng đó là một biến thể lây lan cực kỳ nhanh chóng”, Tiến sĩ Soumya Swaminathan nói với AFP. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng không thể đổ lỗi rằng chỉ biến thể này đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ấn Độ, khi cho rằng quê hương bà dường như đã mất cảnh giác trong cuộc chiến chống đại dịch, với những đám đông không đeo khẩu trang tụ tập vì mục đích tôn giáo và chính trị trong suốt tháng 3 - 4 vừa qua.

Ấn Độ hôm 8/5 lần đầu tiên báo cáo hơn 4.000 ca tử vong do Covid-19 và hơn 400.000 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ. Ước tính trong 1 tháng qua, nước này ghi nhận thêm 8,3 triệu trường hợp nhiễm mới.

Một ước tính trước đó của Reuters cho thấy, các ca lây nhiễm mới vào ngày 1/4 ở Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần so với 1 tháng trước đó. Còn theo báo cáo dịch tễ học hàng tuần của WHO công bố ngày 5/5, Ấn Độ - quốc gia chiếm gần 18% dân số thế giới - chiếm 46% trong số các trường hợp nhiễm Covid-19 mới và 1/4 trường hợp tử vong được ghi nhận trên toàn cầu trong tuần trước đó.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan - nhà khoa học hàng đầu của WHO. Ảnh: AFP
Cũng theo bà Swaminathan, việc bùng phát mạnh ở Ấn Độ lúc này không chỉ gây lo ngại vì số lượng người chết và tử vong tăng vọt, mà còn vì nó làm gia tăng đáng kể cơ hội xuất hiện của các biến thể mới và nguy hiểm hơn.

“Virus càng nhân rộng và lây lan thì càng có nhiều khả năng cho đột biến phát triển và thích nghi”, nhà khoa học hàng đầu WHO giải thích, “các biến thể tích tụ nhiều đột biến cuối cùng có thể trở nên kháng vaccine hiện tại mà chúng ta có. Đó sẽ là vấn đề với toàn thế giới”.

Giải pháp cho tình thế hiện nay?

Thực tế, đến lúc này vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy biến thể B.1.617 có khả năng kháng các loại vaccine hiện hành. Theo Cố vấn y tế cấp cao của Nhà Trắng Anthony Fauci, vaccine ngừa Covid-19 do chính Ấn Độ sản xuất - Covaxin - hiện được xác định có khả năng vô hiệu hóa đến hơn 600 biến thể của virus SARS-CoV-2.

Trấn an mọi người “không nên hoảng sợ khi chưa thể xác định được liệu biến thể ở Ấn Độ có khả năng lây nhiễm hơn biến thể ở Anh hay không”, nhà virus học Jeremy Kamil tại ĐH Louisiana, Mỹ, lưu ý rằng các loại vaccine hiện tại vẫn có khả năng làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

“Hãy sẵn sàng tiếp nhận bất cứ loại vaccine nào mà bạn được tiêm chủng. Đừng mắc sai lầm do việc chần chừ và chờ đợi một loại vaccine lý tưởng”, ông Kamil nói với BBC.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Mumbai. Ảnh: Reuters 
Trong khi Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Á hiện đang cố gắng mở rộng quy mô tiêm chủng hơn nữa để kiềm chế sự bùng phát trong khu vực, chuyên gia Swaminathan của WHO lưu ý rằng chỉ các mũi tiêm sẽ là không đủ để kiểm soát tình hình dịch bệnh lúc này.

Bà chỉ ra rằng, Ấn Độ - quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - hiện chỉ mới tiêm chủng cho chưa đầy 2% dân số hơn 1,3 tỷ người. “Sẽ mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để đạt được tỷ lệ tiêm chủng đại trà từ 70 - 80%”, Tiến sĩ Swaminathan nói, từ đó cho rằng: “Vì vậy trước mắt, chúng ta vẫn cần phụ thuộc vào các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội để giảm lây nhiễm”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần