Biếng ăn ở trẻ nhỏ - Không đơn giản!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Biếng ăn ở trẻ luôn khiến các ông bố, bà mẹ nhức đầu mặc dù… hầu như đứa trẻ nào cũng trải qua tình trạng này. Biếng ăn có thể gây nguy hiểm và trở nên khó trị nếu kéo dài hoặc vượt quá mức bình thường.

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý ngay khi những biểu hiện của chứng biếng ăn vừa xuất hiện ở bé yêu.

“Chẩn đoán” chứng biếng ăn

Khi các bậc cha mẹ thấy con có biểu hiện như: ăn ít hơn so với những trẻ khác; không có dấu hiệu đói dù đã bỏ bữa ăn chính; ngậm thức ăn trong miệng lâu mà không chịu nuốt; bữa ăn kéo dài trên 30 phút; lắc đầu nguầy nguậy trước một số loại thức ăn hoặc không chịu ăn mọi loại thức ăn; chạy trốn, đau bụng hoặc buồn nôn mỗi khi đến bữa… thì bạn cần phải tìm biện pháp can thiệp kịp thời vì bé đã có dấu hiệu của chứng biếng ăn.

Đây là hiện tượng thường xuyên gặp phải ở trẻ từ 1 – 5 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ liên tục chuyển đổi sang các giai đoạn phát triển quan trọng khác nhau như chuyển từ bú sữa mẹ sang ăn bột dặm, từ bột sang cháo… Hoặc có thể bé đang quá say mê với những điều mới lạ vừa khám phá được như kỹ năng cầm, lật, bò, trườn… mà “lơ là” việc ăn uống.

Bên cạnh đó, nếu bé yêu của bạn kiên quyết không chịu ăn uống bất kỳ thức ăn gì, bé có thể bị viêm họng, sốt, mọc răng… bởi những căn bệnh cấp tính, mãn tính hoặc bẩm sinh dạng này đều có thể là nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ.

Một nguyên nhân phổ biến khác cũng khiến bé mắc chứng biếng ăn đó là trẻ đã được cung cấp quá nhiều thức ăn bổ dưỡng. Tâm lý chung của các bà mẹ là muốn con phát triển khỏe mạnh, tăng cân đều đặn và đúng chuẩn. Vì thế, nhiều bà mẹ cứ cho con ăn uống tùy thích và ít tuân theo nguyên tắc khoa học cũng như sinh lý học của cơ thể trẻ nên dễ dẫn tới tình trạng trẻ biếng ăn và suy dinh dưỡng.
 
Điều trị đúng cách

* Lựa chọn thức ăn phù hợp:

Phụ huynh cần lựa chọn đồ ăn và thức uống phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con bởi hệ tiêu hóa non nớt của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, thức ăn tốt và duy nhất với trẻ là sữa mẹ. Trên 6 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm bằng bột mịn, rồi cháo với số lượng và mức độ đặc tăng dần. Khoảng 2 – 3 tuổi, trẻ đã có thể chuyển dần qua ăn cơm hoàn toàn như người lớn. Việc ăn thức ăn không phù hợp, bị ép ăn nhiều, bị dọa nạt… sẽ khiến trẻ sinh chứng biếng ăn. Đặc biệt, khi cơ thể trẻ không tiêu hóa hết lượng thức ăn đã nạp vào, lượng thức ăn dư thừa sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến các cơ quan biến dưỡng, không tốt cho sức khỏe của trẻ.

* Bữa ăn nhiều màu sắc:

Các bữa ăn của trẻ cần nhiều màu sắc “xanh xanh đỏ đỏ” để thêm phần bắt mắt, kích thích vị giác của trẻ. Tránh dùng mãi một thực đơn mà hãy thường xuyên thay đổi khẩu vị ở mỗi bữa ăn trong ngày cho trẻ. Thêm vào đó, mẹ hãy trổ tài khéo tay với những món ăn có vị lạ miệng hoặc trang trí thức ăn thành nhiều họa tiết, hình thù yêu thích của trẻ như: mặt cười, siêu nhân, con thỏ… để bé thích ăn hơn.

* Sử dụng thức ăn thay thế:

Không nhất thiết phải ép bé ăn thịt nếu bạn nghĩ rằng phải ăn thịt mới cung cấp nhiều protein. Hãy suy nghĩ phương pháp thay các món ăn từ thịt bằng trứng, cá, xúc xích… để trẻ có nhiều sự lựa chọn mà vẫn ngon miệng. Tương tự, nếu con không thích ăn rau, bạn có thể cho bé ăn thêm trái cây. Hoặc nếu trẻ sợ sữa, bạn hãy thử cho bé ăn sữa chua, váng sữa hoặc phô-mai.