Biết ơn - bài luân lý đầu tiên của cuộc đời

Phạm Quang Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lòng biết ơn là một khái niệm rộng, trong đó có cả yếu tố tâm lý, đạo đức, văn hóa, cả nhận thức lẫn tình cảm của con người về thái độ ứng xử, hành vi của một cộng đồng hoặc cá nhân trước một ơn nghĩa mình đã được nhận.

Và, nhìn từ góc độ tiếp nhận, chủ thể thể hiện lòng biết ơn cũng có thể là một cộng đồng, một đất nước hoặc một cá nhân được nhận những giúp đỡ (cả vật chất và tinh thần).
1. Bác Hồ trong Di chúc của mình cũng mong đến ngày đất nước thống nhất sẽ “đi khắp năm châu” để cảm ơn bè bạn quốc tế đã giúp đỡ chúng ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thăm đồng bào và chiến sĩ đã không tiếc máu xương góp vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 Cần dạy trẻ về lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ.
Một lần ở trường đại học Fukushima (Nhật Bản), tôi và một đồng nghiệp đã rưng rưng khi GS Suzuki của trường chỉ vào lưng ông nói: Năm 1966, tôi và nhiều đồng nghiệp ở đây đã bị cảnh sát đánh tím bầm thân thể chỉ vì đi biểu tình ủng hộ Nhân dân Việt Nam chống Mỹ.
Chúng tôi biết sẽ bị khủng bố nhưng chúng tôi vẫn đi biểu tình vì đó là yêu cầu của lương tri. Dẫn ra mấy ví dụ trên để nói rằng lòng/tình cảm biết ơn là một hiện tượng xã hội, gắn liền với quá trình hoạt động của con người, có ở trong những quan hệ ở cấp rộng, bao quát và cũng ở trong những cử chỉ nhỏ, giữa cá nhân với cá nhân nhưng ở cấp độ nào nó cũng là một hành vi văn hóa của con người, nó mang tính nhân văn, bộc lộ vẻ đẹp của nhân cách văn hóa.
2. Chúng ta hay nói đến công ơn sinh thành, dưỡng dục. Đó dường như là những bài học luân lý đầu tiên mà tất cả các gia đình, dù là trí thức hay bình dân đều dạy cho con cái mình. Cha mẹ ban cho con cái được sống kiếp người. Ơn đó lớn lắm.
Nhưng công dưỡng dục cũng không hề nhỏ bởi trong thực tế, công sức nuôi dạy một con người từ lúc mới sinh ra đến khi trưởng thành, có ý thức sống xứng đáng đạo lý ở đời còn lớn hơn nhiều. Thế mới có câu công sinh không bằng công dưỡng. Trong câu mói đó hàm chứa một sự thực là để nuôi nấng, dưỡng dục một con người từ nhỏ đến khi trưởng thành mất rất nhiều công sức của gia đình và xã hội.
Gia đình - cái nôi sinh ra con người, cũng là nơi dạy cho con người biết đạo lý làm người, biết trở thành người nhưng quá trình thành người này cũng có vai trò vô cùng to lớn của xã hội, thậm chí về một mặt nào đó nó còn quan trọng hơn vì những đóng góp của xã hội cho quá trình bồi dưỡng tri thức, nhân cách, trách nhiệm công dân… có phần lớn hơn sự dưỡng dục của gia đình. Nói đến môi trường xã hội là nói đến môi trường sống, ở đó vai trò của cộng đồng, quan hệ xã hội, nhà trường, thầy dạy, bè bạn góp sức rất nhiều.
Bởi thế mà người xưa nói đến quan hệ rường cột của xã hội là Tam cương (quân, sư, phụ), là Ngũ luân (vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn), Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ trí, tín) mà ở trong các quan hệ đó, những người muốn được xã hội tôn trọng đều phải làm tròn nghĩa vụ và sống xứng đáng với thân phận của mình.
Trong nghĩa vụ ấy có trách nhiệm, tình cảm và cả lòng biết ơn vì trong mỗi quan hệ, con người đều vừa phải làm hết trách nhiệm của mình (cho đi) và thể hiện lòng tri ân với những gì được nhận (nhận lại), và cả trong hai quan hệ cho đi và nhận về ấy đều có những nguyên tắc, chuẩn mực được cả xã hội thừa nhận.
Tất nhiên quan niệm ấy hình thành trong lòng xã hội phong kiến, theo một chuẩn mực và nguyên tắc khác với chúng ta ngày nay. Hoàn cảnh thay đổi, quan niệm thay đổi nhưng không có nghĩa điều đó không còn tồn tại mà những gì mang ý nghĩa tích cực vẫn còn lại, được điều chỉnh cho phù hợp với xã hội chúng ta.
Ví như thái độ chịu ơn và lòng biết ơn vẫn còn lại với xã hội chúng ta như những hành vi văn hóa, nó thể hiện một trình độ xã hội dù phát triển đến thế nào đi nữa thì những gì thuộc về truyền thống nhân văn của đất nước sẽ không bị mai một bởi nó là thành quả đạo đức, văn hóa cha ông ta đã tạo dựng. Một con người vô ơn, một cộng đồng vô ơn là một bất hạnh cho một đất nước, một dân tộc.
Từ xa xưa, đã có rất nhiều những câu chuyện cảm động, giàu ý nghĩa về lòng biết ơn. Điển tích bát cơm Xiếu Mẫu thường gắn với câu nói một miếng khi đói bằng một gói khi no, thể hiện thái độ hàm ơn khi con người nhận được sự giúp đỡ, nhất là ở những hoàn cảnh khó khăn, không bao giờ được quên ơn người đã giúp mình. Đó là lòng biết ơn mang tính tri ân người giúp mình về mặt vật chất, có thể cứu giúp trực tiếp người đã giúp mình qua cơn hoạn nạn. Đó là một hành vi mang tính đạo đức và sự biết ơn cũng thể hiện thái độ trân trọng và ghi nhớ công lao người đã giúp mình.
Ở khía cạnh khác lại cũng cần ghi nhận một thái độ mà điều đó cũng bộc lộ giá trị nhân văn của thái độ ra ơn: Người ra ơn không coi hành vi của mình như một món nợ mà người nhận được sẽ phải trả nhưng người hàm ơn thì lại không bao giờ quên điều đó.
Đó là thái độ ứng xử với ơn nghĩa ở đời. Song trong xã hội từ xưa đến nay còn có một hành vi ra ân khác mà người nhận không phải bằng vật chất những điều đó còn có ý nghĩa hơn sự giúp đỡ thông thường. Đó là sự tri ngộ, phát hiện ra ở người khác những năng lực (cả về tri thức lẫn nhân cách) mà người ấy không nhận ra, chỉ ra và tạo điều kiện cho người ấy bộc lộ và người kia suốt đời biết ơn về sự khai tâm, dẫn dắt, tạo điều kiện để cho con người phát triển.
Những ví dụ như thế này nhiều lắm, ở đây chỉ xin kể lại một sự việc có trong sử sách nước nhà để mọi người cùng suy ngẫm: Khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc dưới danh nghĩa phù Lê, diệt Trịnh, không phải mọi sĩ phu Bắc hà đã tin ngay, trong đó có các cựu thần nhà Lê. Họ ngờ vực và tỏ thái độ không hợp tác, trong đó có Ngô Thời Nhậm, Bùi Dương Lịch… Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến thái độ vì sơn hà, xã tắc của Quang Trung, những sĩ phu này mới thay đổi thái độ.
Họ từ bỏ thói ngu trung lạc hậu của Nho giáo (trung thần bất sự nhị quân), vượt qua những định kiến của thời đại và của chính mình, dứt bỏ ràng buộc lỗi thời “bỏ tối, theo sáng”, đem hết trí lực của mình ra phụng sự triều đại mới. Bắt đầu từ nhận thức đúng của kẻ thức thời cho đến khi hoàn toàn bị Quang Trung chinh phục vì nghĩa cả, các sĩ phu này đã hiểu rằng họ đã gặp may, được gặp một người anh hùng và dù ngắn ngủi, họ đã đem hết tài năng của mình ra phụng sự triều đại mới.
3. Khái niệm biết ơn rộng như vậy nhưng tại sao chúng ta hay dạy cho trẻ em thái độ biết ơn người khác như một hành vi đạo đức, một thái độ ứng xử, nghĩa là chưa dạy hết cho trẻ em những khía cạnh khác sâu và rộng hơn về lòng biết ơn? Thiết nghĩ, điều đó có tính hợp lý của nó. Nhận sự giúp đỡ của ai đó cần thể hiện lòng biết ơn để nhận biết và nuôi dưỡng dần nét đẹp trong văn hóa ứng xử của nhân cách con người từ lúc còn nhỏ rồi dần dần, lớn lên, cùng với sự trưởng thành về thể lực, sự mở rộng của nhận thức, các em sẽ hiểu đầy đủ thêm nội dung của khái niệm này.
Biết ơn người đã sinh thành, dưỡng dục, giúp đỡ mình sẽ dần dần nâng cao nhận thức của hành vi này lên tầm vóc lớn hơn. Xưa nay, mỗi khi có giặc ngoại xâm, ý thức ra tiền tuyến để trả thù nhà, đền nợ nước là một ý thức công dân rất đẹp. Ở câu nói ngắn gọn này, nước với nhà quyện vào nhau, trong cái riêng có cái chung, trong cái lớn lao có cái của riêng mình, nhỏ hơn nhưng cũng thiêng liêng, cao quý.
Nó cũng là một trong những yếu tố nuôi dưỡng ý thức công dân, lòng yêu nước và món nợ phải trả của mỗi công dân trước Nhân dân và mảnh đất đã sinh ra, nuôi dưỡng mình lớn thành người, giống như một câu thơ giản dị nhưng thấm đẫm tình cảm này “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.

"Sâu kín trong tâm hồn, chúng ta không phải là những người vô ơn. Tuy nhiên, vì đời sống máy móc, bận rộn; vì những lo lắng trong cuộc sống; có khi vì mệt mỏi, chúng ta đã không còn thì giờ suy nghĩ đến những thành quả mà họ đã tạo nên. Đó là điều mà ta cần khắc phục vì không khéo, nguồn cội sẽ đi vào quên lãng khi con người chỉ biết cuốn theo thời gian mà không ngừng nghỉ. Song, ta cần phê phán những kẻ “ăn cháo đá bát”, “có mới nới cũ“, đó là loại người lừa thầy phản bạn, bất hiếu, là một kẻ lười học, phá hoại tài sản của đất nước như việc quên đi nguồn cội mình, coi thường nguồn gốc của mình thì đó là việc đáng trách, ta cần phải loại bỏ. " - GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam