Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn Hà Nội: Loay hoay tìm cơ chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTT&DL đang sôi sục chuẩn bị cho đề án đưa nghệ thuật truyền thống vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Kịch mục đã được xếp lịch hơn trăm suất diễn, nhưng giới làm nghề cũng như khán giả đang băn khoăn về tính lâu bền của đề án.

Đã kín kịch mục

Hơn một tháng sau chủ trương đưa nghệ thuật truyền thống vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, 12 đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ hăm hở chuẩn bị vở diễn để đưa lên thánh đường nghệ thuật. “Gần 20 buổi biểu diễn trong 4 tháng cuối năm đã được lên lịch. Năm 2017 đã chốt được gần 100 buổi diễn vào các ngày cuối tuần” – bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết.
Biểu diễn vở Hamlet tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Biểu diễn vở Hamlet tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tối 30/8, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam được Bộ VHTT&DL "chọn mặt gửi vàng" mở màn cho dự án “vàng” của Bộ trưởng. Chương trình hòa nhạc giao hưởng đặc biệt I sẽ dành 2/3 thời lượng cho các tổ khúc nhạc Việt như: Khúc khởi nhạc “Chào mừng” của GS.NSND Trọng Bằng công diễn năm 1986 nhân kỷ niệm 10 năm đất nước thống nhất. Tác phẩm thể hiện niềm tin, lòng tự hào của Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó, buổi hòa nhạc cũng gửi đến công chúng tác phẩm “Người Hà Nội” thể hiện không khí hào hùng, tinh thần cách mạng, lòng tự tôn và tự hào dân tộc, trong những năm đầu kháng chiến, thể hiện niềm tin vào tương lai, chiến thắng. Ngay sau chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, ngày 31/8 sẽ là vở kịch “Biệt đội báo đen” do Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn, Chương trình “Âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực” do Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn tối 1/9. Sau giao hưởng, kịch sẽ là rối, tuồng, chèo và cải lương. Tất cả những tác phẩm xuất sắc mới dàn dựng của các Nhà hát Múa rối T.Ư, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam như: “Công lý không gục ngã”, “Vũ điệu hoa quỳnh”, “Vua Thánh triều Lê”… đều sẽ căng phông diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

“Chủ trương của Bộ trưởng là đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà hát Lớn nói riêng cũng như 12 nhà hát thuộc Bộ nói chung. Chúng tôi thấy rất phấn khởi. Đây là một chỉ đạo có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại. Như vậy thì diện mạo Nhà hát Lớn sẽ được thay đổi và nâng tầm giá trị” - bà Nguyệt bày tỏ.

Vẫn kiểu lấp đầy suất diễn

Kín kịch mục có lẽ là điều không quá khó với các đơn vị nghệ thuật đang đóng đô trên địa bàn Hà Nội. Hàng năm, theo cơ chế đặt hàng hoặc tài trợ từ quỹ văn hóa nước ngoài, các vở diễn vẫn lần lượt được dàn dựng. Thế nhưng, chỉ vài vở để lại ấn tượng, thu hút người xem. Có vẻ như các nhà hát đang bị động với chủ trương đem nghệ thuật truyền thống vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn của vị thủ lĩnh ngành văn hóa. Chính vì vậy, hầu hết các vở diễn được lựa chọn trong tình trạng “so bó đũa chọn cột cờ”. Bởi, “Biệt đội áo đen”, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, “Công lý không gục ngã”… đều là những vở diễn đã từng được các nhà hát công diễn tại nhiều địa điểm nhưng chưa thu hút được khán giả, nay được lựa chọn công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông Nguyễn Thế Vinh – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng: “Thời gian đầu nếu đòi hỏi bán hết vé các vở diễn này sẽ là rất khó, nhưng cần phải tạo ra địa điểm quen thuộc để không chỉ công chúng Thủ đô mà cả du khách quốc tế muốn xem nghệ thuật truyền thống Việt là đến Nhà hát Lớn”.

Vẫn biết chủ trương bảo tồn nghệ thuật truyền thống như hướng đi của Bộ VHTT&DL được nghệ sĩ và người yêu văn hóa ủng hộ. Tuy nhiên, Bộ VHTT&DL cũng cần định hướng cho các nhà hát chuẩn bị các vở diễn xứng tầm với địa điểm diễn. Theo NSND Lê Ngọc Cường – nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: “Cơ quan có trách nhiệm trong ngành cần ngồi lại với lãnh đạo các nhà hát để tính toán cả việc đầu tư để làm sao mỗi nhà hát có một dàn kịch mục biểu diễn mang tính kinh điển, hàn lâm phù hợp với điều kiện biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Sân khấu truyền thống cũng không thể diễn mãi các trích đoạn truyền thống nhỏ lẻ, mà cần đầu tư bảo tồn các tác phẩm kinh điển mẫu mực của truyền thống. Hiện nay, một số tác phẩm sân khấu truyền thống của tuồng, chèo trong kịch mục nhà hát cũng chưa hẳn đã thực sự là mẫu mực khi mà cách dàn dựng cũng như nghệ sĩ biểu diễn chưa đủ tầm, thua xa bản diễn của thế hệ nghệ sĩ lớp trước”. Nhiều chuyên gia đề xuất, Bộ VHTT&DL cần có một hội đồng thẩm định các tác phẩm trước khi đưa vào Nhà hát Lớn, kể cả những tác phẩm ngoài 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý lựa chọn được nhiều tác phẩm có giá trị, giới thiệu được nét tinh túy của nghệ thuật Việt đến khán giả.

Tiền đâu để hoạt động?

Mấy năm gần đây, Nhà hát Lớn Hà Nội hoạt động theo hình thức tự hạch toán kinh doanh. Nhiều nghệ sĩ bất bình với cái gọi là xã hội hóa Nhà hát Lớn. Bởi đây chính là nguyên nhân khiến Nhà hát Lớn bỏ quên chức năng chính là biểu diễn nghệ thuật và trở thành nơi cho thuê tổ chức hội nghị, trao giải thưởng… của các đơn vị ngoài ngành.

Tới đây, nếu Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ dành cho biểu diễn nghệ thuật truyền thống thì bài toán đặt ra là là nguồn thu nào để duy trì hoạt động. Theo gợi ý của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội cần tổ chức các hoạt động bên lề để nơi đây thành điểm đến hấp dẫn như: Triển lãm về lịch sử Nhà hát Lớn, bán quà lưu niệm, xây dựng màn hình lớn ở phía ngoài để quảng bá chương trình, quy định trang phục văn minh, lịch sự, ứng xử khi bước vào Nhà hát. Xây dựng đội ngũ tổ chức sự kiện, phục vụ chuyên nghiệp… để khi bước đến đây, khán giả có cảm giác thực sự là thưởng thức nghệ thuật. Trên thực tế, Bộ VHTT&DL cũng đã có những hỗ trợ như kêu gọi DN mua vé ủng hộ các chương trình biểu diễn, làm việc với Sở Du lịch Hà Nội để cùng các công ty lữ hành đưa Nhà hát Lớn thành tour tham quan dành cho du khách.

Bà Nguyệt xác định: “Cần thời gian dài để đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả và hình thành thói quen, sở thích xem nghệ thuật truyền thống ở Nhà hát Lớn”. Hiện nay, phía Ban quản lý Nhà hát Lớn đã xây dựng đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà hát giai đoạn 2016 - 2020 trình lãnh đạo Bộ phê duyệt. Trong đề án này đã chú ý đến giải pháp về tổ chức, giải pháp về truyền thông, quảng bá, như: Mời công ty truyền thông chuyên nghiệp vào hợp tác, mời các phóng viên báo đài đến ghi hình để tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các chương trình. “Trước mắt, cần lấy nguồn tài trợ để bù chi phí, dần dần lấy lòng khán giả, chọn lọc khán giả và đối tượng khách mời. Sẽ tính đến việc lập một quỹ để chi phí cho các chương trình và các nhà tài trợ sẽ đồng hành cùng các chương trình nghệ thuật diễn ra ở Nhà hát. Hy vọng sẽ thành công” – bà Nguyệt chia sẻ.

Không còn phải nghi ngờ, đề án biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã được khởi động thực hiện. Việc nghệ thuật tuồng, chèo, kịch… được biểu diễn tại thánh đường nghệ thuật không còn là giấc mơ. Thế nhưng, đề án đó sẽ chạy tốt nhờ các tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật Việt hay nhờ những động thái khác ngoài nghệ thuật lại là câu chuyện phía sau đề án, đang chờ Bộ VHTT&DL giải quyết.
Nhà hát Lớn Hà Nội phải thực hiện tốt việc trang hoàng sao cho hiện đại, hấp dẫn, kể cả vào buổi tối. Nếu cần thiết thì thực hiện Dự án chiếu sáng Nhà hát Lớn, sao cho nơi đây phải trở nên lộng lẫy, thành điểm đến đẹp cho công chúng vào buổi tối.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện

Các nhà hát kịch nói hay tuồng, chèo, cải lương... khi vào diễn phải lựa chọn những tác phẩm hay và phải là mẫu mực của từng loại hình. Nếu một tác phẩm không hay thì dẫu có truyền thông giỏi mấy, quảng cáo giới thiệu hoành tráng thì rồi khán giả cũng sẽ quay lưng. Tôi mong Ban quản lý Nhà hát Lớn, Cục Nghệ thuật biểu diễn và bản thân các nhà hát cần cân nhắc lựa chọn kỹ càng từng tác phẩm để không đánh mất niềm tin từ khán giả.
NSND Lê Ngọc Cường