Bình chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội: Nâng tầm doanh nghiệp, tạo sự lan tỏa

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 61 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội năm 2018 và năm 2019 là 30 sản phẩm đã tạo ra một bức tranh sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội sinh động, nhiều màu sắc, đa dạng ngành nghề, nhiều chủng loại. Đây thực sự là những sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức mạnh, sức lan tỏa và đóng góp lớn cho nền kinh tế Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trao chứng nhận cho các DN.
Những sản phẩm đóng góp lớn cho kinh tế Thủ đô
Sáng 14/12, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố, tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực và TOP 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2019. Năm 2019 là năm thứ hai TP Hà Nội triển khai chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực TP theo Đề án Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với định hướng xét chọn là các sản phẩm công nghệ cao; các sản phẩm có doanh thu cao, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về tăng trưởng, xuất khẩu, trình độ sản xuất thông qua hệ thống tiêu chí, phương pháp đánh giá xét chọn của TP.
Theo báo cáo của ban tổ chức, năm 2019 đã có 48 sản phẩm của 37 DN đăng ký tham gia chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực. Kết quả đã có 30 sản phẩm của 22 DN đủ điều kiện được Hội đồng xét chọn trình UBND TP công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực TP năm 2019. Như vậy, sau 2 năm thực hiện đề án (2018 - 2019), chương trình đã lựa chọn và công nhận 92 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực TP (bằng 115% so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2018 - 2020).
Các DN có sản phẩm được TP công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực phần lớn là các DN có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Đây là những DN thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng như công nghệ vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, phần mềm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, đây là những DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực là DN năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế góp phần tăng năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững, thực sự là những DN tiêu biểu của ngành sản xuất công nghiệp Thủ đô.
Vì vậy những sản phẩm được công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đảm bảo tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, định hướng cho các sản phẩm cùng loại, góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của DN trên thị trường và trong cộng đồng DN. Theo thống kê của ban tổ chức, doanh thu năm 2019 của 59 DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP được bình chọn năm 2018 ước đạt gần 100.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1 tỷ USD. Trong số 59 DN này có 15 DN doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, điển hình như các DN: Tổng Công ty May 10, Tập đoàn Sơn Hà, Tập đoàn Tân Á, Công ty CP Vicostone, Công ty dây và cáp điện Thượng Đình, Công ty tôn mạ Thăng Long, Công ty CP Nhựa Hà Nội, Công ty CP Khóa Việt Tiệp...
Đồng thời, có 8 DN thuộc nhóm sản phẩm công nghệ cao, 4 DN thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, 2 DN khởi nghiệp.
Nâng tầm DN Hà Nội
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, những sản phẩm được công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội bảo đảm tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, định hướng cho các sản phẩm cùng loại, góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của DN trên thị trường và trong cộng đồng DN. Các DN có sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội được vinh danh sẽ được tham gia và thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ của TP như: Xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN công nghiệp; Cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ DN phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ DN thông qua các chương trình: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Áp dụng kế hoạch sản xuất sạch hơn,…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, qua 2 năm triển khai cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, còn một số hạn chế cần khắc phục. Trong đó, nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn, có tiềm năng, thế mạnh, có khả năng cạnh tranh cao đóng góp lớn vào nền kinh tế Thủ đô chưa hưởng ứng tham gia chương trình; Nhiều DN chưa đăng ký tham gia xét chọn đối với những sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0, sản phẩm đang tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. “Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay chưa có những cơ chế, chính sách xứng tầm, đủ sức thu hút các DN lớn tham gia chương trình” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hơn nữa của chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực trong thời gian tới, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành của TP tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, xứng tầm dành riêng cho các DN có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực TP nhằm hỗ trợ các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, đồng thời tạo sức hút để các DN đăng ký tham gia chương trình. Cùng với đó, các sở, ban, ngành của TP theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xem xét xây dựng các nội dung hỗ trợ dành riêng cho các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trong các chương trình, đề án, kế hoạch hàng năm của đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP khi đến giao dịch.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cũng đề nghị Sở Nội vụ (Ban Thi đua khen thưởng TP) chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành của TP nghiên cứu, xem xét đưa tiêu chí có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực vào bộ tiêu chí xét chọn các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với các DN trên địa bàn TP. Đặc biệt, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Công Thương sớm trình UBND TP thành lập Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP, nhằm tạo ra một tổ chức dành riêng cho cộng đồng các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trao đổi, học tập kinh nghiệm, liên doanh liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời là một kênh thông tin quan trọng để TP lắng nghe, tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đối với sự phát triển công nghiệp Thủ đô nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội TP nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần