Năm 2020: Bình Định dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 tăng 3,61%, Bình Định dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đồng thời vượt lên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả nước là 2,91%.

Tăng trưởng cao nhất trong 5 tỉnh
Ngày 28/12, Cục Thống kê tỉnh Bình Định đã công bố số liệu thống kế kinh tế - xã hội của tỉnh này năm 2020.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Mỹ, trong năm 2020, GRDP của tỉnh Bình Định đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 3,61% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năm nay. Dù tăng trưởng thấp nhất giai đoạn 2011 - 2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội, bão lũ, thì đây là thành công lớn của tỉnh Bình Định.
 Quang cảnh buổi công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Mỹ cho biết, tăng trưởng GRDP đến từ 3/4 khu vực. Cụ thể: nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 13.734,3 tỷ đồng, tăng 3,18% (bình quân cả nước tăng 2,68%); công nghiệp và xây dựng ước đạt 14.305,7 tỷ đồng, tăng 8,86% (cả nước tăng 3,98%); thuế ước đạt 2.209,9 tỷ đồng, tăng 2,04% (cả nước tăng 1,7%). Riêng khu vực dịch vụ chịu tác động tiêu cực dịch Covid-19 chỉ tăng 0,53%, giá trị ước đạt 19.440,2 tỷ đồng (thấp hơn cả nước 2,34%)
“Quy mô GRDP ước đạt 90.112,4 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 tỉnh, thành thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên là một nỗ lực rất lớn của tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19”, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Mỹ nhấn mạnh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Mỹ, năm 2020, nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 khiến số lượng doanh nghiệp (DN) quay trở lại thị trường đạt 180 DN, giảm 8,2% so cùng kỳ năm 2019; có 74 DN giải thể (tăng 4,2% so cùng kỳ); 357 DN tạm dừng hoạt động (tăng 37,6% so cùng kỳ).
Đáng lưu ý, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020 đạt gần 39.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019. Riêng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ.
Trong điều kiện khó khăn, thu ngân sách năm 2020 của tỉnh Bình Định vẫn đạt kết quả cao. Tổng thu ngân sách trong năm của tỉnh Bình Định đạt khoảng 12.200 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt trên 11.300 tỷ đồng, vượt 25,9% dự toán. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện trên 18.000 tỷ đồng.
Chi hơn 275 tỷ đồng hỗ trợ người lao động
Tỉnh Bình Định không nằm trong trung tâm dịch, chỉ bị tác động của đại dịch Covid-19 nhưng với chủ trương: “Chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm, bảo đảm an sinh và sức khỏe cho nhân dân”, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và có quyết định về việc thực hiện chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
 Doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Cát Nhơn, huyện Phù Cát.
Theo thống kê, tổng kinh phí tỉnh này chi trả cho gần 260 nghìn đối tượng và 467 hộ sản xuất kinh doanh là hơn 275 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo và cận nghèo là 244.828 người, với tổng kinh phí gần 260 tỷ đồng. Đối tượng là người lao động tạm hoãn hoặc nghỉ việc, hộ sản xuất kinh doanh 467 hộ và 14.714 lao động với số tiền là 15,6 tỷ đồng.
Đối với 52 DN kiến nghị tạm dừng đóng BHXH, đã xét và giải quyết cho 9 DN, với 2.840 lao động tạm thời dừng đóng BHXH vào 2 quỹ hưu trí và tử tuất. Số DN còn lại đang xem xét và giải quyết.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, với tín hiệu lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát, có hơn 1.000 DN đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký 8.011 tỷ đồng, bình quân 10,8 tỷ đồng/DN (so cùng kỳ lần lượt tăng 17,6%, 38,9%, 18,7%); giải quyết việc làm hơn 11.900 lao động. Điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy DN lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh.
Để nền kinh tế-xã hội hồi phục và phát triển thời gian tới, Bình Định sẽ tập trung các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đưa vào hoạt động các công trình trọng điểm thúc đẩy giá trị sản xuất, xây dựng. Thực hiện tốt việc quản lý tàu cá khai thác vùng khơi, góp phần đưa hoạt động khai thác thủy sản đi vào chuyên nghiệp gắn chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao giá trị xuất khẩu; kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; giảm thiểu thiệt hại do mưa bão.
Đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái “bình thường mới”, gắn với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn tín dụng, giải phóng hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu; đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính…