Bình Dương: Công bố kế hoạch khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội, xác định "sống chung với dịch"

DUY CHÍ -VIỆT HÙNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị công bố các thông tin về công tác phòng chống dịch và kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, Bình Dương xác định, "thích ứng để phát triển", đồng thời xác định "sống chung với dịch", phấn đấu đạt mục tiêu kép.

Nới lỏng có kiểm soát

Chiều 15/9, trong khuôn khổ Hội nghị thông tin công tác phòng, chống dịch và kế hoạch mở cửa nền kinh tế tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy tác chiến phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương thông báo: Bình Dương cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19.

Theo người đứng đầu UBND tỉnh Bình Dương, số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng giảm. Công tác thu dung điều trị từng bước được bảo đảm, tỷ lệ tử vong được kiềm chế. Số lượng "vùng xanh" được mở rộng. Toàn tỉnh có 6/9 huyện thị, thành phố công bố "vùng xanh", trở lại trạng thái bình thường mới. "Hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả tích cực” - ông Minh chia sẻ.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy tác chiến phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị.

Ông Võ Văn Minh cho biết, với những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Dương trên cơ sở tham mưu của các cơ quan chuyên môn đã tính toán phương án nới lỏng giãn cách xã hội, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh xác định, "nới lỏng có kiểm soát". Tức là, vẫn khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, sau thời gian giãn cách xã hội, nhưng dự phòng dịch bệnh có thể tái phát.
Theo đó, Bình Dương sẽ từng bước mở rộng các điều kiện và ngành nghề hoạt động theo 3 giai đoạn kể từ sau ngày 15/9. Cụ thể: Giai đoạn 1, từ 15/9 đến 31/10, ưu tiên triển khai phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội tại các địa bàn vùng xanh gồm các huyện Phú Giáo, Dầu tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, TX Bến Cát và TP Thủ Dầu Một.
Trong giai đoạn này, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp (khóa chặt “vùng đỏ”, “điểm đỏ"), mở rộng “vùng xanh”, xét nghiệm nhanh để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Giai đoạn 2, từ sau 31/10, trong trường hợp kiểm soát được dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng”, trong điều kiện vaccine được cung cấp liên tục, đầy đủ và đã hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ người dân để đạt miễn dịch cộng đồng thì sẽ mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội một cách có chọn lọc.
Trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như: karaoke, vũ trường, quán bar, massage.
Giai đoạn 3, sau 31/12, Bình Dương sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội nếu kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng. Một số ngành nghề dễ gây bùng phát dịch như karaoke, vũ trường, quán bar, massage... sẽ phải có tiêu chí, điều kiện hoạt động khi cho phép mở trở lại.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho đến thời điểm này dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được khống chế, xu hướng F0 mới giảm dần, nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh đã trở lại "vùng xanh". Hầu hết người dân trên 18 tuổi tại Bình Dương đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine…
Để chuẩn bị cho giai đoạn "bình thường mới" sau ngày 15/9, Bình Dương sẽ củng cố y tế ở tuyến cơ sở, tiếp tục tiêm vaccine mũi 2 cho người dân, từng bước trả lại trường học, nhà máy đang trưng dụng làm khu cách ly, điều trị Covid-19…
Việc nới lỏng giãn cách xã hội được thực hiện phù hợp với mức độ kiểm soát dịch bệnh cụ thể của từng địa phương và trong toàn tỉnh. Tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội nới lỏng đối với những địa phương chưa thực sự kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, quán triệt phương châm "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". Một số ngành nghề dễ gây có nguy cơ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động cụ thể. 
Đồng thời, UBND tỉnh giao ngành y tế và các ngành có liên quan tham mưu các điều kiện, thời gian và tiêu chí áp dụng khi cho phép hoạt động trở lại. “Trong trường hợp diễn biến dịch xấu hơn sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn đối với các lĩnh vực, ngành nghề này” - lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
"Tỉnh đề cao vai trò của chính quyền cơ sở. Việc nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế sẽ do người đứng đầu địa phương xem xét, quyết định. Việc mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải được chuẩn bị chu đáo, an toàn mới mở, mở phải an toàn. Tỉnh yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch..." - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh.

Được biết, hiện tại UBND tỉnh Bình Dương đang tính toán kế hoạch thu hẹp các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để hoàn trả lại công trình, nhà xưởng, trường học... cho học sinh học tập, doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất...
Thích ứng để phát triển

Tại hội nghị, ông Võ Văn Minh cũng cho biết, trên cơ sở tham mưu, góp ý của các nhà khoa học, UBND tỉnh Bình Dương xác định, công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn kéo dài. Việc chủ động chuẩn bị các điều kiện để thích ứng, nâng cao nhận thức của cộng đồng, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả các tình huống y tế để sống chung an toàn với Covid-19 là xu hướng tất yếu.

Xuất phát từ quan điểm đó, UBND tỉnh yêu cầu 100% các xã, phường, thị trấn đều phải có trạm y tế lưu động. Cấp huyện phải chủ động bố trí riêng một bệnh viện/trung tâm y tế dùng chung, chuyên thu dung điều trị F0 tầng 1 và tầng 2 trong tháp điều trị Covid 3 tầng của Bộ Y tế.

 Trạm y tế lưu động sẽ giúp người dân, doanh nghiệp an tâm ''sống chung'' với Covid-19.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của các bệnh viện, trung tâm y tế tuyển tỉnh, trong đó phải duy trì tốt các bệnh viện chuyên thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng 3 để vừa thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa điều trị bệnh nhân Covid.

Mỗi khu, cụm công nghiệp tùy theo số lượng công nhân phải thành lập số lượng trạm y tế lưu động phù hợp để đảm bảo vừa làm tốt các nhiệm vụ y tế theo quy định, vừa thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong doanh nghiệp.

Đến ngày 15/10 phải thành lập và tổ chức hoạt động các trạm y tế lưu động trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn đúng theo Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Vương Sỹ Kính - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Lywayway (KCN VSIP I) cho rằng, việc triển khai cùng lúc các trạm y tế lưu động trong cộng đồng và trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp là niềm mong chờ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. "Mô hình này được duy trì hoạt động hiệu quả sẽ phát huy tối đa tinh thần chủ động, sống chung với Covid-19. Nếu phát hiện F0 thì bóc tách ra điều trị, doanh nghiệp, cộng đồng vẫn duy trì hoạt động bình thường...” - ông Vương Sỹ Kính nói.