Bình ổn thị trường trong 3 ngày Tết

Kim Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm trong những ngày Tết có tăng nhưng không quá mạnh, người dân không còn tâm lý tích trữ hàng hóa nên thị trường về giá không bị biến động nhiều trong 3 ngày Tết.

Sáng 29/1, hầu hết các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt mở cửa kinh doanh.

Theo ghi nhận tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, các ngành hàng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vẫn đảm bảo nguồn cung như bia, nước giải khát, thực phẩm công nghệ, bánh kẹo, đồ khô...

Riêng về giá cả, tại các hệ thống siêu thị vẫn đảm bảo duy trì giá cả ổn định, chưa có hiện tượng tăng giá do khan hàng.
 
Không chỉ các hệ thống siêu thị mở cửa kinh doanh, mà tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các tiểu thương cũng khai trương phiên chợ năm mới từ mùng 2 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Còn tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy giá cả hầu hết các loại thực phẩm không có chênh lệch quá lớn so với ngày thường. Hiện, tại các chợ Mơ, chợ 8/3 và chợ Hôm, giá các loại thịt lợn đang dao động ở mức 110.000-120.000/kg thịt ba chỉ, thịt bò thăn 270.000-280.000/kg, gà ta chạy bộ giá 140.000-160.000/kg, cá chép loại to 110.000/kg. Tuy nhiên, đầu năm nhu cầu rau xanh nhiều nên giá các loại rau củ có nhích hơn so với ngày thường nhưng không quá cao. Cụ thể, giá rau muống đang ở mức 8.000-12.000 đồng/mớ, rau cải 9.000-11.000 đồng/mớ, su hào 6.000 đồng/củ…

Theo Bộ Công Thương , tháng 1 và tháng 2 là thời gian diễn ra Tết Nguyên đán, chi tiêu của người tiêu dùng cho thực phẩm tăng mạnh và chiếm tỷ trọng tương đối lớn nên các mặt hàng này thường tăng giá. Tuy nhiên năm nay mặt hàng chủ lực trong dịp tết là thịt lợn lại thấp nên các mặt hàng khác cũng khó có thể tăng giá được.

Cùng với đó, năm nay lương thực dồi dào, nguồn cung dư thừa và thời tiết thuận lợi đã khiến rau xanh và hoa quả đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần bình ổn giá cả các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán.

Cũng theo Bộ Công Thương, vài năm trở lại đây người tiêu dùng cũng không còn thói quen tích trữ nhiều lương thực, thực phẩm trong những ngày Tết khiến nhu cầu tiêu thụ trong những ngày này không quá cao.

Đặc biệt, cùng với những chỉ đạo sát sao từ phía Bộ Công Thương như hàng ngày các Sở Công Thương phải báo cáo tình hình giá cả thị trường về Vụ Thị trường trong nước trước 9h sáng và chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu được nhiều địa phương, doanh nghiệp hưởng ứng đã góp phần giảm áp lực tăng giá trong dịp Tết.

Ngày mai (mùng 3 Tết) hệ thống siêu thị trở lại hoạt động bình thường nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng với nguồn cung đảm bảo cả về chất lượng và giá cả sẽ giúp thị trường ổn định và chuyển động đúng quỹ đạo.