Bình Phước lập phương án khi phải điều trị từ 1.000 - 3.000 bệnh nhân Covid-19

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình mỗi ngày số ca F0 tăng dần, UBND tỉnh Bình Phước đã lập phương án đảm bảo y tế đối với tình huống khi số ca Covid-19 đang điều trị trên địa bàn từ 1.000 - 3.000 ca.

Lập thêm 3 Bệnh viện dã chiến
Theo phương án được phê duyệt tại Quyết định 2861/QĐ-UBND, nhận định dịch Covid-19 ở các tỉnh giáp ranh và ngay tại Bình Phước diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ở dịch mới, trong đó có một số ổ dịch chưa rõ nguồn lây, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, năng lực đáp ứng oxy y tế của tỉnh còn hạn chế, việc tiêm vaccine chưa đạt tỷ lệ bao phủ, tạo miễn dịch cộng đồng.
 Công nhân Công ty chế biến hạt điều Tuấn Bông, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước tiêm vaccine phòng Covid-19.
Dự báo trong tình huống xấu nhất có thể ghi nhận 3.000 ca dương tính. Bệnh nhân F0 nặng, nguy kịch; F0 có bệnh nền không ổn định, vượt quá khả năng điều trị tuyến dưới khoảng 165 ca. Bệnh nhân F0 có mức độ nặng, có thể điều trị tại các cơ sở tầng 2 khoảng 30 ca; F0 không có triệu chứng, nhẹ kèm bệnh nền ổn định và vừa khoảng 600 ca; F0 không có triệu chứng, nhẹ và không có bệnh nền khoảng 2.145 ca.
Phương án đưa ra một số giải pháp, như: Kiểm soát chặt sự lây lan dịch bệnh từ bên ngoài; Tạo lập vành đai để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập; Tăng số chốt quản lý, quân số tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời để ngăn chặn, xử lý vi phạm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở. Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép, sử dụng người lao động là người nhập cảnh trái phép. Nhanh chóng tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19, tranh thủ tiếp cận nguồn vaccine để tỷ lệ dân số được tiêm phấn đấu đạt từ 95% trở lên vào cuối năm 2021.
Lập thêm 3 Bệnh viện dã chiến (BVDC) quy mô tối thiểu 200 giường/bệnh viện, năng lực tối thiểu 3.000 giường bệnh, trong đó có 165 giường điều trị ca nặng và nguy kịch (Giường bệnh ICU). Khi dịch bệnh lan rộng và số ca nhiễm cao, thực hiện quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà phù hợp…
Đối với các địa phương thực hiện cách ly F1 tại nhà (Đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định), phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch đúng quy định của Bộ Y tế để không lây nhiễm ra cộng đồng. Tổ chức các hình thức cách ly phù hợp đối với các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm (Cách ly tập trung, tại nhà, cơ sở lưu trú, công ty, xí nghiệp...).
Các cơ sở y tế phải cử người trực 24/24 giờ
Các cơ sở điều trị Covid-19, các cơ sở y tế (CSYT) công lập, tư nhân chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó về trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện phòng hộ cá nhân, bảo đảm cung cấp đầy đủ oxy y tế để điều trị bệnh nhân Covid-19; Bố trí nhân viên y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bị nhiễm và người có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Thiết lập mạng lưới phân tầng cơ sở điều trị Covid-19 gồm 3 tầng. Tầng 1 dành cho ca bệnh nhẹ, không triệu chứng thì thu dung, điều trị tại khu điều trị tuyến huyện, Trạm Y tế xã và BVDC khu vực thu dung, điều trị ca bệnh nhẹ, không triệu chứng. Khi vượt quá năng lực thu dung, điều trị thì quản lý, chăm sóc người bệnh không triệu chứng tại nhà thông qua hoạt động của các Trạm Y tế lưu động.
Tầng 2 dành cho ca bệnh mức độ vừa thì thu dung, điều trị tại các BVDC tuyến tỉnh, BVDC khu vực, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, Bệnh viện Đa khoa Cao su Phú Riềng.
Đối với tầng 3 dành cho ca bệnh nặng, nguy kịch (Dự kiến khoảng 165 ca), điều trị tại Khu điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (21 giường), BVDC huyện Đồng Phú (100/150 giường), khi cần thiết thì kích hoạt BVDC số 1 (44/210 giường). Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhân sự, trang thiết bị để triển khai Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 tỉnh (Dự kiến tại BVDC huyện Đồng Phú) với quy mô 100 giường hồi sức tích cực.
Huy động các đơn vị của lực lượng Công an, Quân đội, các Bệnh viện tư nhân tham gia điều trị, cấp cứu, chăm sóc người bệnh. Duy trì hoạt động liên tục của các CSYT để đảm bảo tiếp tục các dịch vụ y tế thiết yếu bao gồm dịch vụ cho các nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng như: Trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người bệnh mạn tính. Xây dựng phương án mở rộng nhà đại thể tiếp nhận người tử vong do Covid-19. Triển khai các phương án tổ chức tang lễ phù hợp trong tình huống số tử vong gia tăng.
Tính đến ngày 8/11, toàn tỉnh Bình Phước có 26 CSYT công lập và tư nhân điều trị các trường hợp F0 theo các tầng 1, 2 và 3,  Trong số 26 CSYT nêu trên có 9 BVDC, trong đó 3 CSYT điều trị F0 ở tầng 3, gồm: Khu cách ly điều trị F0 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; BVDC huyện Đồng Phú và BVDC số 1.
3 BVDC sẽ được lập thêm, gồm: BVDC huyện Chơn Thành quy mô 200 giường (Tầng 1, 2); BVDC huyện Bù Đăng quy mô 200 giường (Tầng 1 và 2); BVDC tại Trường Cao đẳng Bình Phước quy mô 360 giường (Tầng 1).
Đến trưa 8/11, tỉnh Bình Phước có 2.350 ca F0, có 1.634 ca xuất viện, 15 người tử vong vì Covid-19. Trong tổng số ca Covid-19, huyện Chơn Thành đứng đầu với 503 ca, kế đến là TP Đồng Xoài 255 ca, huyện Bù Đăng 210 ca, thấp nhất là thị xã Bình Long với 54 ca.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần