Bình tĩnh để nhìn nhận

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những tin vui nhất tuần qua với nhiều phụ huynh, học sinh của Hà Nội là các con đã được đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết kéo dài cả tháng trời.

Với các con, đó là niềm vui được tới trường, gặp lại thầy, bạn sau một thời gian xa cách. Với các bậc phụ huynh, vui vì đỡ được mối lo tìm cách quản lý các con khi không tới trường, lại trong thời điểm dịch bệnh. Có người nói vui: Ngày 2/3 là ngày giải phóng phụ huynh Hà Nội!
Đây là năm học thứ hai, học sinh Hà Nội và một số địa phương trong cả nước có kỳ nghỉ Tết kéo dài vì dịch Covid-19. Do đã có kinh nghiệm và sự chủ động, nên hầu như việc học của các con không bị ngắt quãng. Và cũng rất mừng là theo thông báo của Bộ GD&ĐT, với việc học sinh đi học trở lại vào thời điểm này, các nhà trường vẫn có thể thực hiện chương trình năm học theo đúng kế hoạch, Bộ không phải điều chỉnh thời gian kết thúc năm học 2020 - 2021.
 Tại trường Tiểu học Tiền Phong B, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (nơi từng bị cách ly y tế vì dịch Covid-19) hoạt động kiểm soát y tế đối với giáo viên, phụ huynh và học sinh được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Phạm Hùng
Chủ động chuyển đổi việc dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến là một cố gắng đáng ghi nhận của thầy và trò các nhà trường, cấp học. Kết quả đó cũng thêm một lần khẳng định tính hiệu quả và sự cần thiết của hình thức học và dạy online.

Tuy nhiên, cũng từ thực tế những ngày vừa qua, có thể thấy bên cạnh những ưu điểm, lợi thế không thể phủ nhận vẫn có những điều cần trao đổi để việc dạy và học online đạt chất lượng, hiệu quả hơn. Có thể nêu một vài vấn đề như xác định đối tượng học sinh phù hợp với hình thức dạy và học này, những điều kiện bảo đảm cho việc học online như chất lượng đường truyền và không gian học tập ở nhà của trẻ, rồi tác động của phương thức dạy và học này tới sức khỏe của trẻ ra sao…

Như đã nói ở trên, được trở lại học bình thường là niềm vui của cả thầy và trò. Như vậy cũng có nghĩa là cho đến bây giờ, với hoàn cảnh của Việt Nam, học trực tiếp vẫn là phương thức tốt nhất. Trong những ngày không đến trường vì dịch bệnh vừa qua, học và dạy online chỉ là biện pháp tình thế, do đó có ít nhiều bị động. Và dù kết quả là đáng ghi nhận, nhưng chúng ta, đặc biệt là ngành giáo dục cần bình tĩnh mà xem xét, đánh giá để có động thái phù hợp trong các trường hợp tương tự.

Đơn cử như việc học trực tuyến với các cháu học sinh tiểu học. Chúng ta đều biết, hình thức học online đòi hỏi sự tập trung và tính tự giác cao, kể cả khi những điều kiện khách quan như đường truyền, không gian học tập được bảo đảm. Khả năng này không phải học sinh nào, dù ở cấp THPT, cũng đáp ứng được. Bởi vậy, yêu cầu đó càng khó đặt ra với học sinh tiểu học, đặc biệt là các cháu lớp 1, lớp 2. Đó là chưa kể đến việc đường truyền không bảo đảm, khả năng xử lý sự cố đường truyền của các cháu hạn chế. Nhiều cháu đang học bị “bật” ra khỏi lớp mà không tự khắc phục được. Thêm nữa, những gia đình có con học lớp 1, 2 đa phần gia đình trẻ, khó có điều kiện dành một không gian riêng, bảo đảm yên tĩnh để các cháu học trực tuyến… Thực tế cho thấy, việc dạy và học trực tuyến với các đối tượng học sinh này gây nhiều vất vả cho cả cô và trò, cũng như phụ huynh các em. Đôi khi lợi bất cập hại. Trong đợt dịch mới đây, Ngành GD&ĐT Hải Phòng đã có một quyết định được cha mẹ học sinh tán thành: Không thực hiện dạy và học trực tuyến với học sinh lớp 1 - 2 của thành phố.

Vẫn biết dạy và học online là một xu thế tất yếu. Các chương trình học online hay giáo dục tại nhà hiện khá phát triển ở các nước tiên tiến. Có điều, để cách học này có hiệu quả, giáo viên hướng dẫn, phụ huynh và học sinh… đều phải được chuẩn bị chu đáo và phối hợp nhịp nhàng.

Lợi ích của hình thức học online thì đã rõ. Song lợi ích đó chỉ phát huy khi áp dụng đúng đối tượng, hoàn cảnh của người dạy và học. Cũng bởi vậy, dù đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, với cách học này vẫn rất cần một thái độ bình tĩnh để nhìn nhận, đánh giá. Không nên thực hiện một cách đại trà phương pháp học và dạy trực tuyến trong điều kiện cơ sở vật chất, năng lực dạy và học, điều kiện xã hội còn có những khác biệt như hiện nay. Càng không nên thực hiện theo kiểu phong trào.