Bình tĩnh và đề cao cảnh giác

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần đầu của tháng cuối cùng trong năm 2021 đầy biến động, thế giới một lần nữa lại đứng trước thách thức mới trong trận chiến chống đại dịch Covid-19: Sự xuất hiện và lây lan của một biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11, ngày 26/11 nó được WHO đặt tên là Omicron và phân loại là "biến thể đáng lo ngại". Chỉ 5 ngày sau, ngày 29/11, biến thể này đã được phát hiện tại nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, Botswana, Australia, Anh, Đức, Italia, Bỉ... và đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo WHO, cần phải có thời gian để các nhà khoa học thu thập dữ liệu, nghiên cứu về biến chủng mới này, cả về độc lực, khả năng lan truyền, cũng như mức độ kháng vaccine của nó.

Tuy nhiên, có một điều không phải đợi thời gian mới có thể khẳng định, đó là sự cần thiết phải tiếp tục các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của virus như chúng ta đã áp dụng từ khi xuất hiện đại dịch đến nay. Cũng bởi vậy, ngay khi WHO công bố chính thức sự xuất hiện của biến chủng Omicron, hàng loạt các quốc gia châu Âu, châu Mỹ đã có lệnh hạn chế du khách từ phía Nam Châu Phi. Riêng Israel ngày 27/11 đã ngưng nhập cảnh với toàn bộ người nước ngoài, là quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng hoàn toàn biên giới để đối phó với sự lây lan của biến thể virus này. Tại Đông Nam Á, từ ngày 29/11, Indonesia đã cấm nhập cảnh với khách từng đến 8 quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Mozambique, Eswatini, Nigeria trong 14 ngày trước đó. Nhiều nước trong khu vực cũng siết chặt hơn nữa biên giới để ngăn biến thể Omicron.

Tại buổi làm việc với đại diện WHO, CDC ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến sáng ngày 30/11 cả nước chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 với biến thể này. Mặc dù vậy, ngay sau khi có thông tin về biến chủng Omicron, để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron từ các quốc gia đã phát hiện biến thể này, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến và đi về từ các quốc gia trên.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khuyến cáo: Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC trong công tác phòng chống dịch Covid-19, cũng như trong ứng phó với biến chủng mới. Người dân không nên quá hoang mang lo lắng, nhưng cần tiếp tục tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Đó là những động thái cần thiết và hữu hiệu trong bối cảnh dịch Covid-19 luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

Ở một góc độ khác, dù còn những ý kiến khác nhau về nguyên nhân xuất hiện, tác động của các biến thể từ virus SARS-CoV-2, mà lần này là Omicron, các nhà dịch tễ học đều thống nhất cho rằng không nên quá lo lắng về khả năng xuất hiện một “siêu biến thể” mới có thể vô hiệu hóa hoàn toàn vaccine, đồng thời cũng khẳng định thế giới không thể chỉ dựa vào việc tiêm vaccine để vượt qua đại dịch này. Từ đánh giá của các nhà dịch tễ học cho rằng biến thể mới nhiều khả năng phát xuất từ khu vực Hạ Sahara, nơi mà tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp và mức độ lây lan của virus khá cao, các chuyên gia cho rằng để virus không lây lan mạnh hơn và giảm cơ hội để nó tiếp tục đột biến vẫn cần áp dụng những biện pháp hạn chế. Cụ thể, một trong những biện pháp ngăn chăn sự xuất hiện của các biến thể mới là hạn chế đến mức thấp nhất số ca lây nhiễm. Để làm được điều đó, bên cạnh việc đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine, các biện pháp phòng chống lây lan, mà điển hình là việc thực hiện thông điệp 5K ở Việt Nam, là vô cùng cần thiết.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, sự xuất hiện của Omicron một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải có những biện pháp thích ứng để sống chung với Covid và chiến lược zero covid là không khả thi. Điều đó càng cho thấy, việc cần làm với mỗi người và cả cộng đồng lúc này là bình tĩnh và nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần