Bịt lỗ hổng trong giao dịch thẻ tín dụng

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thẻ tín dụng là một công cụ cấp tín dụng tiêu dùng, đòi hỏi ngân hàng phát hành thẻ phải khống chế giải ngân bằng tiền mặt để kiểm soát rủi ro. Việc ngân hàng cho phép chủ thẻ tín dụng được rút tiền mặt đến 70% hạn mức thẻ, nhưng quy định thu phí quá cao làm nảy sinh dịch vụ rút tiền mặt “chui” gây nhiều hệ lụy.

 Bịt lỗ hổng trong giao dịch thẻ tín dụng. Ảnh minh họa
Tại sao thẻ tín dụng phát triển ồ ạt?
Phát triển thị trường thẻ ngân hàng nói chung và thẻ tín dụng nói riêng để tạo tiện ích thanh toán cho người dân, mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế là đòi hỏi cấp thiết đối với nước ta. Tuy nhiên, thẻ tín dụng là “con dao 2 lưỡi”, vừa tích cực vừa tiêu cực, không chỉ đối với chủ thẻ mà còn đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) cũng như đối với nền kinh tế. Cho nên, việc các ngân hàng đang thực hiện chiến lược ồ ạt mở rộng thị trường thẻ tín dụng chắc chắn tạo nên nhiều hệ lụy.

Phát hành và thanh toán thẻ tín dụng đang đưa lại nguồn thu nhập dịch vụ rất lớn cho mỗi ngân hàng. Không có một loại dịch vụ ngân hàng nào đưa lại nguồn thu nhập “kép” lớn như dịch vụ thẻ tín dụng. Hiện thu nhập đối với ngân hàng phát hành thẻ tín dụng bao gồm thu lãi tiền vay phổ biến từ 25 - 30%/năm và thu từ một “rừng” phí. Nếu ngân hàng phát hành thẻ tín dụng vừa là ngân hàng thanh toán còn được hưởng chiết khấu phổ biến ở mức 2 - 3% doanh số bán hàng từ đơn vị chấp nhận thẻ.
Cơ chế quản lý giao dịch thẻ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước hiện khá thông thoáng, các ngân hàng đều đưa ra những chương trình khuyến mại hết sức hấp dẫn để lôi kéo khách hàng. Nhiều ngân hàng còn ép khách hàng cá nhân vay tiền không chỉ mua thẻ bảo hiểm mà còn mở thẻ tín dụng tại ngân hàng cho vay. Thực tế không ít khách hàng cá nhân có khả năng tài chính cao và nhu cầu chi tiêu lớn sẵn sàng cùng lúc sở hữu nhiều loại thẻ tín dụng, nhưng cũng không ít cá nhân sở hữu thẻ tín dụng như một sản phẩm trang sức hoặc bị dụ mua. Điều muốn nói, do chủ thẻ tín dụng cũng được rút tiền mặt chi tiêu nhưng quy định quản lý của ngân hàng còn bất cập đã tạo kẻ hở phát sinh tiêu cực.

Quy định của ngân hàng là nguyên nhân?

Thẻ tín dụng là hình thức tín dụng tiêu dùng, chủ thẻ được chi tiêu trước và trả nợ sau. Cho nên nếu chủ thẻ được giải ngân bằng tiền mặt qua máy ATM chắc chắn ngân hàng không thể kiểm soát được mục đích tín dụng. Đây là lý do để lãnh đạo nhiều ngân hàng giải thích không khuyến khích khách hàng dùng thẻ tín dụng rút tiền mặt. Nhưng thực tế đang đặt ra câu hỏi. Tại sao muốn hạn chế rút tiền mặt nhưng các ngân hàng đang quy định thẻ tín dụng được rút tiền mặt tại máy ATM phổ biến đến 70% hạn mức? Đây là câu chuyện hết sức mâu thuẫn bởi chức năng chủ yếu của thẻ tín dụng là để mua hàng trả chậm tại các cơ sở chấp nhận thẻ chứ không phải để rút tiền mặt.

Lấy lý do không khuyến khích chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt các ngân hàng đều quy định mức phí và lãi hết sức áp đặt. Khi rút tiền mặt chủ thẻ tín dụng phải chấp nhận phí rút tiền mặt phổ biến đến 4% giá trị giao dịch và phải chịu lãi tiền vay ngay lập tức trên số tiền đó chứ không được miễn lãi đến 45 ngày như trường hợp cà thẻ tín dụng mua hàng. Nếu các chủ thẻ tín dụng đều thực hiện rút tiền mặt qua máy ATM theo quy định này thì ngân hàng phát hành thẻ sẽ có nguồn thu nhập phí và lãi rất lớn. Thế nhưng quy định mức phí quá cao và thời gian thu lãi khắt khe đó của ngân hàng là nguyên nhân đẻ ra thị trường dịch vụ rút tiền mặt thẻ tín dụng “chui” đang cạnh tranh lại chính ngân hàng. Chỉ cần gõ “dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng” vào google ngay lập tức cho mấy triệu kết quả trong chưa đầy 1 giây trên màn hình máy tính.
Đây là dịch vụ được thực hiện thông qua tạo chứng từ giao dịch khống, thực chất là chứng từ giả mạo. Nếu rút tiền mặt qua dịch vụ thì chủ thẻ tín dụng chỉ phải trả mức phí từ 1,2% đến dưới 2% và được miễn trả lãi vay 45 ngày cho số tiền được nhận như trường hợp cà thẻ mua hàng. Chủ thẻ lợi quá nhiều so với rút tiền mặt trên hệ thống ATM. Ngân hàng Nhà nước đã quy định “cấm giao dịch khống tại đơn vị chấp nhận thẻ” nhưng trên thực tế dịch vụ phi pháp đó vẫn mọc ra như nấm dưới hình thức ẩn danh. Vấn đề hết sức lưu ý là nguồn tiền mặt hàng nghìn tỷ đồng đáp ứng cho dịch vụ này lấy từ đâu ra và tại sao các ngân hàng thanh toán chưa thể kiểm soát.

Ngân hàng phải bịt ngay lỗ hổng

Dịch vụ rút tiền mặt thẻ tín dụng đang làm rối loại hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và an ninh tiền tệ. Không chỉ ngân hàng phát hành thẻ thất thu lớn về phí và lãi vay mà nguy cơ nảy sinh tiêu cực nội bộ đối với ngân hàng thanh toán là hiện hữu. Theo thông tin nội bộ ngân hàng, cuối tháng 2 vừa rồi một chi nhánh ngân hàng (thanh toán) tại TP Hồ Chí Minh đã có quyết định đình chỉ công tác 2 người là lãnh đạo và kiểm soát (trước đó 1 nhân viên giao dịch đã tự nghỉ việc) của một phòng giao dịch do để lọt khoảng 2.000 tỷ đồng chứng từ cà thẻ tín dụng nghi là giao dịch khống trong thời gian chỉ chưa đến 6 tháng. Chắc chắn trường hợp này không phải là một mà đã và sẽ xảy ra tại không ít ngân hàng thanh toán thẻ tín dụng.

Điều đó cho thấy các ngân hàng phải siết chặt quy định giám sát nội bộ và quy định kiểm soát, tác nghiệp kiểm tra chứng từ đáng ngờ trong hoạt động thanh toán thẻ tín dụng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn từ gốc là hiệu quả nhất. Ngân hàng Nhà nước phải làm việc với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thống nhất ban hành Thông tư liên ngành về giám sát chứng từ giao dịch cà thẻ tín dụng.
Theo đó, ngân hàng thanh toán có trách nhiệm sao kê chứng từ thanh toán thẻ tín dụng gửi cho cơ quan thuế để cơ quan này đối chiếu kiểm soát. Nên biết, chứng từ mua bán hàng hóa/dịch vụ là bằng chứng để cơ sở kinh doanh kê khai báo cáo thuế. Vì vậy chứng từ giao dịch cà thẻ tín dụng nếu giao dịch khống sẽ bị cơ quan thuế phát hiện ngay.

Để có một Thông tư liên ngành như nói trên trở thành hiện thực thuộc câu chuyện thể chế quản lý, không thể đưa ra ý tưởng là làm được. Thực tế đang đòi hỏi các ngân hàng phát hành thẻ tín dụng phải điều chỉnh hạ mức phí rút tiền mặt tại máy ATM từ 4% giá trị giao dịch xuống mức dưới 2% là nhiều rồi. Cùng với đó, ngân hàng cũng nên áp dụng miễn lãi 45 ngày khi chủ thẻ rút tiền mặt. Khi đó chắc chắn chủ thẻ tín dụng không đến với dịch vụ rút tiền chui bên ngoài ngân hàng trả phí ít nhưng rủi ro, bất hợp pháp.

Ở góc độ tầm nhìn trung hạn, để thẻ tín dụng làm đúng chức năng của nó, Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra lộ trình giảm hạn mức (%) rút tiền mặt của thẻ tín dụng như lộ trình giảm hạn mức giải ngân trực tiếp trong cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính (Thông tư 19/2019/TT-NHNN). Tiến tới chỉ cho phép chủ thẻ tín dụng được rút tiền mặt trên hệ thống ATM tối đa là 20% hạn mức thẻ cho chi tiêu tại các cơ sở mà hệ thống máy quẹt thẻ (POS) của ngân hàng chưa thể phủ sóng.