Bloomberg: 2 nền kinh tế có "sức chống chọi khủng khiếp" trước khủng hoảng toàn cầu

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bloomberg, Hàn Quốc và Australia đang là 2 nền kinh tế xoay sở tốt đến bất ngờ, nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19, mà nguyên nhân được cho là nhờ mối liên hệ sâu sắc với tăng trưởng của Trung Quốc và những lợi thế quan trọng của riêng mỗi nước.

Ảnh: Bloomberg. 
Trước hết, thế mạnh của Hàn Quốc và Australia được nhận định là tương đối khác nhau. Bởi Hàn Quốc nổi tiếng là cường quốc sản xuất với lao động có tay nghề cao, trong khi Australia chủ yếu khai thác nguồn tài nguyên dồi dào sẵn có.
Mẫu số chung của 2 quốc gia được chỉ ra là sự tiếp xúc với thị trường Trung Quốc - điểm cuối của hơn 25% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc, và 43% lượng hàng xuất khẩu của Australia.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc này được cho không phải là tất cả, vì Trung Quốc là thị trường lớn nhất của hầu hết các nước ở châu Á, bao gồm cả Nhật Bản và nhiều nền kinh tế khác đã tỏ ra yếu kém trong đại dịch.
Saul Eslake, một nhà kinh tế học độc lập lưu ý rằng bộ đôi cùng nằm trong top đầu các quốc gia chú trọng thúc đẩy tăng trưởng dân số, lực lượng lao động và năng suất, với việc Australia xếp đầu và Hàn Quốc ở vị trí thứ 3.
Hàn Quốc và Australia cũng là 2 trong số những nền kinh tế phát triển duy nhất tránh được cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hồi năm 2009, và phải chứng kiến sự sụt giảm nhẹ hơn phần lớn các nước trong năm ngoái. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Australia, khi hiệp định thương mại tự do giữa 2 nước có hiệu lực kể từ năm 2014.
Một điểm chung khác là thành công tương đối của Hàn Quốc và Australia trong việc kiểm soát đại dịch. Báo cáo của Ernst & Young công bố hồi tháng trước về các quốc gia đã đạt được kết quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng tích cực trong đại dịch Covid-19, xếp Australia và Hàn Quốc vào top 4 nước dẫn đầu, cùng Đan Mạch và New Zealand.
Tuy nhiên, mối liên kết quá lớn với Trung Quốc được cho cũng đi kèm không ít rủi ro với 2 nền kinh tế. Hàn Quốc đã phải đối mặt với một cuộc tẩy chay sau khi nước này triển khai hệ thống chống tên lửa của Mỹ vào năm 2017. Australia mới đây đối mặt với mức thuế gia tăng đối với nhiều mặt hàng, bao gồm than, rượu và lúa mạch, sau khi kêu gọi cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19 tại Trung Quốc.
Liên quan đến vấn đề này, Peter Drysdale - người đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Đông Á tại Đại học Quốc gia Australia lưu ý, cách Seoul và Canberra quản lý mối quan hệ với Bắc Kinh trong tương lai "sẽ là chìa khóa".
"Điều quan trọng nhất là mỗi quốc gia có chiến lược gì để liên kết với động lực tăng trưởng ở Trung Quốc. Mọi thứ sẽ ra sao là tùy thuộc vào chiều hướng của quyết định đó, và vị trí của mỗi quốc gia sẽ như thế nào khi họ cố gắng nắm bắt tiềm năng tăng trưởng dài hạn", ông Drysdale nói với Bloomberg.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần