Bỏ biên chế nhà giáo suốt đời: Thanh lọc giáo viên không đạt chuẩn

Oanh Trần thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về bỏ biên chế giáo viên suốt đời, ông Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, đây là bài toán phức tạp và nan giải. Vì thế, rất cần sự quyết tâm của các cấp, đặc biệt là noi gương của những cấp cao.

Thay đổi cách tuyển dụng hiệu trưởng, giáo viên
 
Thưa ông, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, từ ngày 1/7/2020, hiệu trưởng không còn là công chức, giáo viên không là viên chức sẽ có tác động thế nào đối với hoạt động dạy và học?
- Việc bỏ biên chế suốt đời đối với lao động nói chung là bài toán lớn. Với ngành giáo dục, đây là vấn đề hết sức phức tạp và nan giải. Chúng ta đặt lên bàn cân, hình thức biên chế suốt đời của công chức có những ưu điểm. Thứ nhất, những người vào biên chế cảm thấy yên tâm, từ đó toàn tâm toàn ý cống hiến cho công việc. Thứ hai, khi thực hiện biên chế suốt đời cộng với sự đãi ngộ phù hợp, các giáo viên mới chấp nhận dạy học ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn. Thứ ba, tạo ra sự ổn định trong hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, là người quan sát rất kỹ, tôi lại thấy nhiều mặt hạn chế của biên chế suốt đời. Đó là nhiều giáo viên có sức ì, không chịu phấn đấu, phát triển năng lực. Một vấn đề nữa, với cách tuyển dụng như hiện nay rất khó tìm được người tài nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng. Bởi các hiệu trưởng, phòng GD&ĐT không phải là người thực sự tuyển giáo viên theo đúng nhu cầu... Môi trường làm việc của công chức cũng còn có nhiều bất cập, dẫn đến mỗi cá nhân không phát huy được hết tài năng...
Như ông nói, đây là bài toán phức tạp, vậy cần phải giải như thế nào?
- Tôi cho rằng, đầu tiên rất cần sự quyết tâm chính trị, noi gương của các cấp cao nhất trở xuống. Thứ hai, phải giải được câu chuyện tài chính, nếu không khó có thể tuyển chọn, thu hút nhân tài hay tạo ra môi trường năng động, tích cực, hiệu quả. Thực tế, Nhà nước đầu tư ngân sách cho ngành giáo dục rất lớn nhưng dàn trải. Do đó, sau này, muốn thu hút được nhà giáo tài năng thì không thể trả lương như bây giờ. Nhìn sang ngành y tế, có nhiều bệnh viện tự chủ về tài chính tạo ra bộ mặt hoàn toàn mới, có ích lợi rất lớn cho bệnh nhân. Ngành giáo dục có thể tham khảo mô hình này, tiến tới thí điểm tự chủ tài chính để có học phí, mức lương phù hợp. Khi một trường có cách làm việc tốt, chất lượng sẽ thu hút được học sinh, giáo viên. Còn những nơi có khó khăn, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ.
Về cách tuyển dụng hiệu trưởng, có thể do cấp tỉnh, huyện hoặc sở, phòng GD&ĐT thực hiện với bản mô tả công việc rõ ràng. Sau đó, hiệu trưởng được quyền tuyển giáo viên theo các tiêu chí và hai bên thỏa thuận với nhau về mức lương, thời hạn hợp đồng. Công việc này cần được thực hiện công khai, minh bạch và có sự giám sát.
Cần làm minh bạch, khoa học
Khi giáo viên ký hợp đồng làm việc ngắn hạn có dẫn đến sự bấp bênh, không toàn tâm cho công việc?
- Chắc chắn quy định giáo viên ký hợp đồng tác động đến các thầy cô, kể những học sinh có mong muốn vào học ngành sư phạm. Khi chúng ta chuyển sang mô hình mới, có sự cạnh tranh, nỗ lực phấn đấu thường xuyên nhưng lại không được đảm bảo làm việc ổn định, lâu dài thì mọi người không yên tâm. Nhưng vì cách làm đúng, tích cực chắc chắn có hiệu ứng tốt, mọi người sẽ yên tâm. Giáo viên cần cố gắng phát huy tối đa năng lực cho sự nghiệp giáo dục, để họ và cả xã hội được hưởng lợi. Còn về phía các cấp quản lý phải giải bài toán này để xã hội không quá xáo trộn và hạn chế được những tiêu cực, bất cập khi triển khai. Theo tôi, quan trọng nhất là cách làm khoa học, phù hợp, minh bạch sẽ mang lại hiệu quả rất tốt cũng như không để lại hệ lụy. Còn nếu làm không tốt thì lợi bất cập hại. 
Ông có cho rằng khi bỏ công chức nhà giáo, đi cùng với thực hiện trả lương theo vị trí việc làm sẽ góp phần thanh lọc những người không đạt chuẩn?
- Cách trả lương theo vị trí việc làm cùng với bỏ biên chế sẽ là điều rất tuyệt vời. Thứ nữa, khi chúng ta đưa ra cách tuyển dụng, đánh giá theo tiêu chí, nếu ai không đạt yêu cầu, việc thải loại là chuyện bình thường. Nhiều công chức nghĩ việc này là ghê gớm nhưng các trường ngoài công lập thực hiện thường xuyên, không có vấn đề gì. Hiện nay, nhiều DN tư nhân cũng vận hành như thế mang lại hiệu quả tích cực. Tôi cho rằng, thay đổi là động lực để phát triển, nhất là đối với ngành giáo dục.
Với việc giáo viên không là viên chức, ông hy vọng năm nay số thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm sẽ tăng?
- Đây cũng là lo lắng của tôi, bởi những tác động bất lợi. Bộ GD&ĐT cần có chính sách và tuyên truyền trước khi quy định mới có hiệu lực để các em học sinh lớp 11, 12 muốn vào ngành sư phạm nhìn thấy ánh sáng, niềm tin, điểm tựa nào đó. Giáo dục là quan trọng hàng đầu. Nếu không tuyển dụng được những sinh viên tốt vào ngành sư phạm sẽ khó có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được sự phát triển của giáo dục, đặc biệt là triển khai chương trình phổ thông sắp tới.
Xin cảm ơn ông!

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Giáo viên sẽ tận tâm với nghề

 

Quy định biên chế suốt đời đang được thực hiện hiện nay đôi khi khiến người ta thiếu phấn đấu tích cực và rất khó sa thải. Tới đây, hiệu trưởng không còn là công chức, giáo viên không là viên chức, ai tích cực cố gắng phấn đấu thì tiếp tục được làm việc. Như vậy, quy định mới buộc mọi người hết sức phấn đấu, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp giáo dục, chăm lo cho thế hệ mai sau. Và tránh được tình trạng dạy thêm, làm thêm, “chân trong thì ngắn, chân ngoài thì dài”.

Còn để thu hút được các em học sinh giỏi đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm, bài toán cần thực hiện là có việc làm cùng chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Tôi tin, cùng với việc trả lương theo vị trí việc làm, mức lương giáo viên tăng lên đủ sống và đóng bảo hiểm xã hội cao, giáo viên sẽ hăng hái làm việc, tận tâm với nghề.

Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Lê Kim Long: Nhiều vấn đề cần làm rõ

 

Việc thay đổi quy định biên chế suốt đời đối với nhà giáo là bước mạnh dạn trong lộ trình quản lý giáo dục. Trước đây, khi là công chức, viên chức, hiệu trưởng và giáo viên lĩnh lương hàng tháng và cứ đến hạn lại được nâng bậc lương. Nhưng khi là viên chức, hiệu trưởng cùng giáo viên tìm nguồn kinh phí để trả lương cho mọi người. Tác động tích cực nữa là không phân biệt chế độ, chính sách giữa hiệu trưởng, giảng viên, giáo viên...

Tuy nhiên, từ nay đến ngày 1/7/2020 còn nhiều vấn đề phải bàn và thực hiện. Trước đây, công chức do UBND cấp tỉnh, TP quản lý, bây giờ đội ngũ ấy chuyển sang đơn vị nào? Với trường phổ thông, hiệu trưởng phải rà soát xem ai là người chuẩn bị hết hợp đồng làm việc để đánh giá ký tiếp. Tuy nhiên, với trường đại học, hiệu trưởng có được ký hợp đồng với giảng viên hay do Hội đồng trường quyết định? Vì thế, rất cần có những nghị định, thông tư để hướng dẫn các trường thực hiện trước khi luật có hiệu lực.