Bỏ cái “tiện” để giữ cái “bền”
Kinhtedothi - Túi nilon, hộp xôi, cốc cà phê mang đi... những vật dụng "tiện lợi" đã ăn sâu vào nếp sống của người dân Hà Nội sắp đối mặt với một cuộc chia tay được báo trước.
Với việc HĐND TP Hà Nội thông qua lộ trình cấm sản phẩm nhựa dùng một lần tại chợ và cửa hàng tiện lợi từ 1/1/2028, câu hỏi được đặt ra: chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc “đại phẫu thuật” thói quen tiêu dùng này chưa? Bởi lẽ, chính sách được hiện thực hóa trong đời sống quả thật không đơn giản, nhất là với thói quen tiêu dùng "tiện, rẻ" đã ăn sâu trong phần lớn người dân.
Tầm nhìn dài hạn
Trong bối cảnh hơn 1.400 tấn rác thải nhựa được thải ra mỗi ngày đang gây sức ép nặng nề lên môi trường Thủ đô, một mệnh lệnh hành động cấp bách đã được đưa ra. Cụ thể, trong kỳ họp mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua một Nghị quyết được xem là mang tính bước ngoặt, thể hiện tầm nhìn dài hạn về phát triển bền vững, đồng thời cũng đặt dấu chấm hết cho sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các kênh phân phối hiện đại và truyền thống. Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn, thực hiện theo điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô 2024 vừa được 100% đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI biểu quyết thông qua vào ngày 10/7, là cú hích cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Việc cấm sản phẩm nhựa dùng một lần tại chợ để tránh ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Hải Linh
Theo đó, từ ngày 1/1/2026, các khách sạn, khu du lịch trên địa bàn Hà Nội sẽ không được sử dụng và lưu hành các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm; bao bì nhựa dùng một lần đựng kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc. Kể từ 1/1/2027, các chợ và cửa hàng tiện lợi không được cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học. Từ 1/1/2028, các cơ sở này phải dừng hoàn toàn việc lưu hành và sử dụng túi nilon khó phân hủy (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), trừ trường hợp đóng gói hàng hóa,…
Đây không chỉ là những chính sách quản lý môi trường, mà còn là lời tuyên bố rõ ràng: Thủ đô sẵn sàng từ bỏ cái “tiện” để giữ lấy cái “bền” - bền cho môi trường, bền cho sức khỏe cộng đồng và bền cho tương lai phát triển bền vững. Nhìn ra thế giới, quyết sách của Hà Nội không hề đơn độc. Nhiều TP lớn như San Francisco (Mỹ), Vancouver (Canada) hay các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu đã đi trước và gặt hái những thành công nhất định trong cuộc chiến chống lại "ô nhiễm trắng". Việc Hà Nội chính thức nhập cuộc cho thấy TP đang bắt kịp xu hướng phát triển bền vững toàn cầu, sẵn sàng chấp nhận thách thức để định vị lại hình ảnh của mình.
Hà Nội đã xây dựng lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo nghị quyết không chỉ là lời nói trên giấy. Từ ngày 1/1/2026, các khách sạn và khu du lịch trên địa bàn sẽ không được sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như bàn chải, dao cạo, tăm bông, mũ tắm, hay bao bì chứa kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm. Sang năm 2027, các chợ và cửa hàng tiện lợi không được cung cấp túi ni lông khó phân hủy miễn phí, trong khi các sàn thương mại điện tử phải giảm thiểu bao bì nhựa và tổ chức thu hồi bao bì sau bán hàng. Đến ngày 1/1/2028, lệnh cấm toàn diện sẽ được áp dụng: các chợ, cửa hàng tiện lợi, và cơ quan hành chính không được lưu hành hoặc sử dụng túi ni lông khó phân hủy, hộp xốp, và nhựa dùng một lần, trừ trường hợp bao bì bắt buộc theo quy định pháp luật.
Nhìn xa hơn, từ năm 2031, Hà Nội đặt mục tiêu dừng sản xuất và nhập khẩu nhựa dùng một lần, đồng thời yêu cầu các DN sản xuất sử dụng nhựa PE, PP đạt tỷ lệ tái chế tối thiểu 20% từ năm 2028 và 30% từ năm 2030. Các chuyên gia đánh giá rằng, đây là bước chạy đà quan trọng, giúp TP đánh giá thực tiễn và điều chỉnh chính sách trước khi áp dụng toàn diện. Điều này không chỉ kiểm tra tính khả thi của chính sách mà còn tạo tiền đề để nhân rộng ra toàn TP trong các năm tiếp theo.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống
Ngay sau khi các chính sách trên được công bố, nhiều diễn đàn môi trường, các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ. Không ít người đánh giá đây là “bước đi tiên phong” và “một động thái đúng đắn” trong bối cảnh ô nhiễm nhựa đang ở mức báo động đỏ. Theo các chuyên gia môi trường, muốn thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần, không thể chỉ trông chờ vào biện pháp hành chính. Phải tác động vào nhận thức, đặc biệt là thông qua truyền thông, giáo dục và sự vào cuộc của cộng đồng DN. Thực tế đã cho thấy, ở nhiều địa phương hoặc quốc gia, khi chỉ tập trung “cấm” mà thiếu các giải pháp hỗ trợ thì chính sách dễ rơi vào hình thức. Do đó, điều kiện tiên quyết để các chính sách môi trường phát huy hiệu quả là sự đồng thuận xã hội – từ người dân, tiểu thương cho đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sự đồng thuận của người dân là nền tảng, nhưng những lo lắng của tiểu thương và DN là thực tế không thể bỏ qua.
Để "lệnh cấm" và chương trình thí điểm thực sự đi vào đời sống, Hà Nội cần triển khai đồng bộ và quyết liệt một chiến lược "kiềng ba chân". Chân kiềng thứ nhất là truyền thông phải "trúng và đúng". Đặc biệt với chương trình thí điểm sắp tới, một chiến dịch truyền thông cấp tốc, tập trung vào khu vực Vành đai 1 là tối quan trọng. Cần những buổi đối thoại trực tiếp với các chủ nhà hàng, khách sạn; cung cấp danh sách các nhà cung cấp sản phẩm thay thế uy tín. Song song đó, cần đẩy mạnh truyền thông đến người tiêu dùng và du khách về ý nghĩa của chương trình, khuyến khích họ hợp tác và ủng hộ các cửa hàng "xanh". Chân kiềng thứ hai là chính sách hỗ trợ phải "cụ thể và thực chất". Đây là lời giải cho bài toán kinh tế mà người dân băn khoăn đặt ra. Đối với các doanh nghiệp trong vùng thí điểm, TP cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời, có thể là trợ giá ban đầu cho các vật liệu thay thế, hoặc kết nối họ với các nhà sản xuất có ưu đãi. Về dài hạn, cần có chính sách ưu đãi thuế, vốn vay cho các DN sản xuất bao bì thân thiện môi trường để hạ giá thành sản phẩm, tạo ra một thị trường cạnh tranh và bền vững. Chân kiềng cuối cùng là kiểm soát và giám sát phải "minh bạch và nghiêm minh". Cần thiết lập kênh giám sát cộng đồng hiệu quả để người dân cùng tham gia. Lực lượng chức năng cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát rõ ràng, công khai các cơ sở tuân thủ tốt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi".

Túi nilon, một trong những nguồn thải lớn gây “ô nhiễm trắng”.
Việc đề ra lộ trình cấm nhựa dùng một lần vào năm 2028 cho thấy một quyết tâm chính trị mạnh mẽ và một chiến lược bài bản của Hà Nội. Đây không chỉ là câu chuyện môi trường, mà còn là câu chuyện về xây dựng văn minh đô thị, nâng cao chất lượng sống và định vị lại hình ảnh một Thủ đô hiện đại, có trách nhiệm. Quyết tâm của TP đã là ngọn đuốc được thắp lên. Ngọn lửa đó có lan tỏa và bùng cháy mạnh mẽ hay không phụ thuộc hoàn toàn vào sự "tiếp sức" của mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân. Hành trình từ bỏ cái "tiện" nhất thời để giữ lấy cái "bền" cho tương lai đã chính thức bắt đầu, không phải trên giấy tờ, mà ngay trên từng con phố trung tâm Thủ đô.

Thông điệp ý nghĩa: Thả cá đừng thả túi nilon vào ngày Tết ông Công, ông Táo
Kinhtedothi - Sáng 2/2 (tức 23 tháng Chạp), rất đông các bạn tình nguyện viên đã có mặt tại cầu Long Biên hỗ trợ người dân thả cá và thu gom túi nilon và tàn hương. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức và bảo vệ môi trường.

Công ty Thoát nước lan toả thông điệp “Thả cá đừng thả túi nilon”
Kinhtedothi - Bắt đầu từ ngày hôm qua (1/2), Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các địa phương nơi có ao, hồ để vận động, nhắc nhở người dân thực hiện thông điệp: “Thả cá đừng thả túi nilon”.

Hà Nội: 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon
Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 trên địa bàn TP Hà Nội.