Bộ Công an lấy ý kiến về dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/6/2020, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an đã chính thức đăng tải dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng để lấy ý kiến Nhân dân trong thời gian 02 tháng.

 Theo Bộ Công an, việc tách bạch 2 đạo luật giúp tạo hệ thống pháp lý đủ mạnh trong phân công quản lý Nhà nước hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp.
Kế thừa, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm
Dự thảo Luật này gồm 08 chương 93 điều, quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Bộ Công an, dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các nghị định, thông tư có liên quan; Đồng thời bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới như trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường bộ…
Đáng chú ý, quy tắc giao thông đường bộ quy định từ Điều 13 đến Điều 45 có các nội dung cơ bản như: Quy tắc về phía đi, phần đường, nhường đường, tránh, vượt, chuyển hướng, lùi xe, vượt xe, dừng xe, đỗ xe, tốc độ, khoảng cách… Sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông, như: sử dụng làn đường, chuyển hướng, tránh, vượt, dừng, đỗ xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau, sử dụng còi, đèn tín hiệu, mở cửa xe…; bổ sung quy định tốc độ tối đa của một số loại phương tiện có trọng tải lớn trên đường cao tốc; khoảng cách an toàn giữa các xe tương ứng với tốc độ và điều kiện mặt đường thời tiết, địa hình để đảm bảo an toàn giao thông...
Chi tiết dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, xem TẠI ĐÂY
Liệu có chồng chéo?
Như vậy, hiện nay Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an được Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (luật mới).
Trong đó, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về quản lý an toàn phương tiện tham gia giao thông đường bộ; quản lý an toàn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Còn Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định về quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông, vận tải và quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ; Chú trọng đến phát triển các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông, quy tắc, nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh vận tải, quản lý công trình giao thông đường bộ...
Theo Bộ Công an, việc tách bạch 2 đạo luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý kinh doanh vận tải, sẽ tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để giải quyết 2 vấn đề cấp bách đang đặt ra trong tình hình hiện nay; tạo hệ thống pháp lý đủ mạnh trong phân công quản lý Nhà nước hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, so sánh 2 dự luật dễ nhận thấy rất nhiều điểm tương đồng, chồng chéo nhau. Tổng cục Đường bộ Việt Nam từng dự báo nếu Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra đời sẽ khó khăn trong việc thực thi.
Việc xây dựng, ban hành 2 luật trên như thế nào Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định. Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ để tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình áp dụng pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần