Bộ Công an yêu cầu xử lý nghiêm đối tượng tung tin giả về virus Corona

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Facebook, Google và Twitter đang phải "chật vật" xóa bỏ những tin giả về virus Corona đăng tải trên mạng xã hội. Trong khi đó tại Việt Nam, Bộ Công an yêu cầu tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh.

Thông tin thất thiệt về virus Corona xuất hiện trên mạng xã hội thời gian qua
Ngày 29/1/2020, Bộ Công an tiếp tục có Công điện gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.
Bộ Công an đánh giá, tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Đến nay dịch bệnh đã lan rộng ra 30/31 tỉnh, TP của Trung Quốc và đã lây lan ra 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu.
Việt Nam có đường biên giới dài, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn với Trung Quốc nên nguy cơ dịch bệnh này lây lan, có thể bùng phát là rất lớn.
Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, tán phát lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận người dân; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.
Để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung:
Thực hiện nghiêm túc điện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và hướng dẫn của Cục Y tế ngày 24/01/2020 về phòng, chống dịch bệnh;
Công an các đơn vị, địa phương phối hợp các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường không, đường biển (cả người và hàng hóa, đặc biệt là nghiêm cấm việc nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam), có biện pháp soi chiếu, sàng lọc, kiểm dịch y tế nghiêm ngặt tại các cửa khẩu; tham mưu chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không qua lại đường mòn, lối mở biên giới tới các vùng dịch bệnh tại Trung Quốc để phòng ngừa bị lây nhiễm bệnh;
Công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; chủ động kế hoạch, phương án phòng, chống, tham gia dập tắt dịch bệnh và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống có dịch bệnh bùng phát tại nước ta;
Lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh tạm thời không giải quyết cấp thị thực du lịch vào Việt Nam đối với những người đến từ vùng dịch bệnh;
Cục Y tế chủ trì, các cơ sở y tế lâm sàng Công an nhân dân phối hợp thành lập một số Đội cơ động Thường trực phòng, chống dịch; các Bệnh viện: 19/8, 19/9, 30/4, Y học cổ truyền chủ động phương án ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi có chỉ đạo của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 05/CT-TTg, ngày 28/01/2020.
Liên quan đến vụ việc, các hãng công nghệ Facebook, Google và Twitter đang cố gắng ngăn chặn những thông tin giả hoặc bóp méo sự thật về dịch bệnh này phát tán trên mạng xã hội.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook những ngày gần đây đã cùng 7 tổ chức cộng tác với Facebook, công bố 9 bản kiểm chứng thông tin và phát hiện hàng loạt tin giả liên quan đến chủng virus Corona. Facebook thông báo đã dán nhãn những thông tin thiếu chính xác và đẩy bài viết xuống dưới trang hiển thị bài đăng hàng ngày của người dùng.
Trong khi đó, Twitter khuyến nghị những người sử dụng mạng ở Mỹ tìm kiếm những hashtag của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) liên quan đến chủng virus Corona. Đại diện Twitter nêu rõ các chính sách cấm người dùng mạng phối hợp với những ý đồ tung tin giả.
Tương tự, Youtube cho biết đang đầu tư mạnh nhằm nâng cao nội dung đáng tin cậy, theo đó ưu tiên hiển thị những nguồn tin đáng tin cậy đồng thời giảm thông tin giả phát tán trên trang chia sẻ video này.