Bộ Công Thương: Cấm nhập máy đào tiền ảo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới DN

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương cho rằng, biện pháp tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo nếu được áp dụng cũng sẽ không đảm bảo được sự toàn diện, hiệu quả.

 

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ không áp dụng biện pháp ngừng nhập khẩu với máy xử lý dữ liệu tự động (máy đào tiền ảo) có mã phân loại HS 8471.80.90 như đề xuất trước đó của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, các Bộ, ngành được xin ý kiến đều cơ bản nhất trí đối với việc áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu đối với máy xử lý dữ liệu tự động dùng để đào tiền ảo. Tuy nhiên, có một số ý kiến khác về việc áp mã số HS hàng hoá về sự phong phú đa dạng trong hoạt động khai thác tiền ảo và quy định về quản lý trong nước.

Cụ thể, các loại máy đào tiền ảo được chia làm hai loại chính: Máy đào ASIC (Application-specific Integrated Cỉciut) là máy chuyên dụng chỉ được sản xuất để thực hiện chức năng đào tiền ảo và máy đào VGA (Video Graphics Array hay Card màn hình) là máy đào có các khối chức năng được lắp ráp như máy tính thường.

Bộ Công Thương cho hay, qua phân tích thực tế, phạm vi ảnh hưởng nếu dừng nhập khẩu nhóm hàng mã này rất rộng. Thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, có hơn 27.239 sản phẩm và 5 tháng đầu năm 2018 có hơn 15.117 sản phẩm mã HS này được nhập về Việt Nam.

Do đó, việc áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu trong khi Bộ Tài Chính chưa xác định được cụ thể mã HS đối với các mặt hàng cần quản lý sẽ chưa phù hợp với quy định của Luật Quản lý Ngoại thương: "Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải được quy định, công bố chi tiết tương ứng với phân loại hàng hoá của Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam theo quy định của pháp luật về hải quan".

Hơn nữa, các loại máy, thiết bị dùng để đào tiền ảo là những mặt hàng đa dụng, được sử dụng vào các hoạt động khác nhau tuỳ theo mục đích của người dùng. Vì vậy việc tạm ngừng nhập khẩu các loại máy, thiết bị này sẽ gây ra tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có sử dụng các thiết bị này.

Hiện nay, có rất nhiều cách thức được sử dụng để đào tiền ảo. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hoạt động khai thác tiền ảo không chỉ thực hiện bằng các máy xử lý dữ liệu tự động mà còn diễn ra trên các thiết bị di động, nền tảng đám mây, đào bằng ổ cứng.

Trong tương lai, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ sẽ ngày càng gia tăng độ phong phú về các loại máy đào tiền ảo cũng như hoạt động khai thác tiền ảo.

Theo Bộ TT&TT, chỉ nên tạm ngừng nhập khẩu đối với máy đào ASIC và không nên thực hiện biện pháp hạn chế nhập đối với máy đào VGA vì chưa thể xác định cụ thể mã HS đối với hàng hoá này.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về biện pháp quản lý trong nước đối với các loại tiền ảo cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động để khai thác tiền ảo.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu nếu được áp dụng cũng sẽ không đảm bảo được sự toàn diện, hiệu quả và sẽ không đạt được mục tiêu quản lý do sự đa dạng của các loại thiết bị đào tiền ảo.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo khác. Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp, gây rủi ro và mất trật tự xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần