Bộ Công Thương: Giá điện, than không tăng quá 7%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo giải thích của Bộ trưởng, hiện Việt Nam vẫn giữ giá than, giá điện thấp ở mức thấp.

KTĐT - Theo giải thích của Bộ trưởng, hiện Việt Nam vẫn giữ giá than, giá điện thấp ở mức thấp. Như vậy, Nhà nước không chỉ bao cấp cho người dân mà còn bao cấp cho một bộ phận doanh nghiệp.

Ủng hộ việc áp dụng giá thị trường cho điện và than nhưng Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng hai mặt hàng này sẽ không tăng giá quá 7% trong năm 2010 để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Cuối tháng 12/2009, Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV) có văn bản đề nghị được tăng gần gấp đôi giá bán than cho Tập đoàn Điện lực (EVN) điện từ 1/1/2010. Ngay lập tức, ngành điện cũng “đánh tiếng” về khả năng tăng giá nếu chi phí đầu vào bị đội lên. Theo tính toán của các chuyên gia, giá điện có thể bị đội lên khoảng 17% nếu TKV tăng giá bán than tăng 150%.

Trả lời báo chí xung vấn đề này trong buổi họp báo thường kỳ tháng 12 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết ông ủng hộ việc áp dụng giá thị trường đối với các mặt hàng như điện và than: “Chúng ta đang thực hiện một chủ trương lớn là hội nhập kinh tế quốc tế. Đã hội nhập thì giá cả hàng hóa xuất - nhập khẩu và hàng hóa trong nước phải ngang tầm với giá thế giới”.

Theo giải thích của Bộ trưởng, hiện Việt Nam vẫn giữ giá than, giá điện thấp ở mức thấp. Như vậy, Nhà nước không chỉ bao cấp cho người dân mà còn bao cấp cho một bộ phận doanh nghiệp. Khi ngành điện, ngành than chịu lỗ thì ngân sách lại phải gánh phần lỗ. Do đó, cần thiết phải tiến tới một mặt bằng “giá chung, giá thực”.

Trong khi đó, nếu không tăng giá than trong nước (hiện đang thấp hơn giá xuất khẩu), rất dễ dẫn đến hiện tượng xuất lậu than. Khi đó, lợi nhuận bất chính dễ rơi vào túi một bộ phận tư thương.

“Tuy nhiên, khi sử dụng mức giá chung, giá thực, cũng cần tính toán để đảm bảo hiệu quả, hợp lý và không ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô”, ông Vũ Huy Hoàng cho biết thêm.

Bộ trưởng cho biết Chính phủ sẽ có những biện pháp để ổn đinh mức giá chung, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, chẳng hạn như chính sách ưu đãi về giá điện cho 20% hộ nghèo. Ngoài ra, tùy theo mức thu nhập của người dân, sẽ áp dụng những mức điều chỉnh hợp lý.

“Chính phủ đảm bảo rằng, bình ổn giá là mục tiêu quan trọng của Chính phủ trong năm 2010, nằm trong nhóm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Theo cam kết của với Quốc hội, mức tăng giá sẽ không vượt quá 7%”, Bộ trưởng nói.