Bộ Công Thương tiếp tục hiện đại hóa thủ tục hành chính

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/9, Bộ Công Thương đã tổ Hội nghị “Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương”.

Theo đại diện Bộ Công Thương, về hiện đại hóa thủ tục hành chính, mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ Công Thương đặt ra cho các đơn vị thuộc Bộ là từ nay cho đến cuối năm 2017, nâng số dịch vụ công trực tuyến của Bộ từ 155 lên 177 dịch vụ. Cùng với đó, các dịch vụ ở mức độ 3, 4 sẽ chiếm hơn 39% trong tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công Thương.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên.
Bộ cũng đã đặt ra mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc 17 lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Công Thương, tại 40 văn bản quy phạm pháp luật. Tính đến thời điểm này, chỉ tính riêng con số TTHC đã được ban hành, Bộ Công Thương đã thực hiện đơn giản hóa được 56/452 TTHC và sẽ được hoàn thành 100% vào cuối năm 2017.

Để tiếp tục thực hiện phương án đã đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương xây dựng dự thảo để hoàn thành Phương án trong năm 2017 trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và quản lý nhà nước.

Về nội dung đơn giản hóa TTHC, Bộ Công Thương cũng đã tích cực thực hiện việc hiện đại hóa TTHC, để nâng tất cả các thủ tục của ngành lên cấp độ 3 và cấp độ 4 - tức là nộp hồ sơ online và có thể trả kết quả online hay qua đường bưu điện nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tránh nguy cơ sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục.
Ngành công thương có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, hiện chiếm khoảng hơn 80% GDP. Bộ Công Thương và ngành công thương ở các địa phương đang quản lý 28 trên tổng số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công và 1.216 điều kiện kinh doanh trên 27 ngành, nghề.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Pháp chế thông tin, năm 2017 là năm thứ 4 Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp về thủ tục hành chính ngành công thương. Cũng theo ông Tân, chỉ có 1 phần văn bản còn phần lớn thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến 9 nghị định và 1 Nghị định của Thủ tướng trong tổng số 123 thủ tục hành chính, nghĩa là gần 30%, còn 70% thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện 100% phương án đặt ra.
Bên cạnh đó, còn có hoạt động quan trọng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là ứng dụng công nghệ và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. “Mục đích của hoạt động này giảm thời gian, chi phí, minh bạch hóa công việc, cải thiện cách thức tiếp cận của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý Nhà nước” - vị này nói.