Xuất khẩu trái vải có nguy cơ gặp khó

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, từ giữa tháng 5/2018, đảo Hải Nam (Trung Quốc) chính thức bước vào vụ thu hoạch trái vải. Diện tích trồng cây vải ở đảo này là 7.600ha, sản lượng đạt khoảng 300.000 tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm, tăng 30% so với năm 2017.

Ảnh minh họa
Trong khi đó, khu vực phía Bắc năm nay thời tiết thuận lợi nên không chỉ trái vải mà các cây ăn quả khác như: Nhãn, cam, quýt, đều sinh trưởng tốt, có khả năng được mùa trong tháng 6. Hiện, trái vải sớm Hải Dương đã vào vụ với mức giá 20.000 đồng/kg. Vải thiều tại tỉnh Bắc Giang cũng bắt đầu vào mùa thu hoạch. 
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, diện tích trồng vải năm 2018 tại gấp gần 2 lần so với năm 2017. Để tăng cường xuất khẩu vải thiều, UBND tỉnh Bắc Giang đã chính thức mời 80 DN Trung Quốc sang Việt Nam vào ngày 8/6 để trực tiếp lắng nghe công tác chuẩn bị tiêu thụ vải, cũng như khảo sát thực tế vùng trồng vải tại Bắc Giang.

Hiện tại, trên một số địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có lác đác DN, thương lái Trung Quốc sang đặt điểm cân thu mua vải chín sớm. Song song với đó, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm nông sản của tỉnh tại TP Bắc Giang vào ngày 7 - 9/6/2018.

Bộ Công Thương khuyến cáo, khi xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc cần lưu ý, Trung Quốc sẽ tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhập khẩu. Từ 1/4/2018, DN Trung Quốc khi nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam phải xin giấy phép tại Cục Kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập cảnh Quảng Tây và cung cấp hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm...

Mặc dù Việt Nam đã mở cửa thành công quả vải tươi vào Mỹ từ năm 2015 nhưng sản lượng xuất khẩu hàng năm rất thấp, do thiếu công nghệ bảo quản, không thể xuất bằng đường tàu biển. Theo cơ quan chức năng, vụ vải năm 2018 chưa có lô nào được DN xuất khẩu sang Mỹ.