Bỏ của chạy lấy người

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm cùng tham chiến ở Yemen, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã bắt đầu triệt thoái quân đội ra khỏi Yemen, chấm dứt việc trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh ở Yemen.

Tuy chỉ là đội quân nhỏ nhưng UEA là đồng minh chính trị và quân sự quan trọng nhất của Ả rập Xê út trong liên quân mà Ả rập Xê út đã thành lập và đi đầu để tiến hành cuộc chiến tranh nhằm vào lực lượng người Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn.

Cuộc chiến tranh này vì thế còn trở thành cuộc đối địch quân sự gián tiếp và ganh đua ảnh hưởng chính trị khu vực trực tiếp giữa Ả rập Xê út và đồng minh với Iran. Cho tới nay, nó bất phân thắng bại và cũng chẳng biết đến khi nào thì mới có thể chấm dứt. Trên thực tế, Ả rập Xê út và liên quân hiện đang bị sa lầy về chính trị, quân sự và an ninh ở nơi này. Tình trạng này càng kéo dài thì phía được lợi nhiều nhất lại là Iran chứ không phải Ả rập Xê út, UAE và các thành viên trong liên quân. 

 Quân đội UAE đang dần thoái lui khỏi chiến địa Yemen.

Cho nên có thể thấy động thái mới nói trên của UAE chẳng khác gì là hành động "bỏ của chạy lấy người". Xem ra, vương triều này giờ đã nhận ra rằng liên quân không thể thắng được cuộc chiến tranh ở Yemen hoặc nếu có thể thắng được thì cũng phải còn mất thêm rất nhiều thời gian nữa mà đi cùng với nó là mất thêm nhiều tiền của, có thể thiệt hại thêm nhiều về binh lính, cho nên phải rút khỏi việc trực tiếp tham gia chiến tranh khi chưa bị quá muộn.

Một nguyên do khác nữa đóng vai trò quan trọng và quyết định không kém là nguy cơ bùng phát đụng độ vũ trang, thậm chí cả chiến tranh, giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh. UAE cùng hội cùng thuyền với Mỹ, Israel và Ả rập Xê út trong chính sách thù địch với Iran nên không thể tránh khỏi bị lôi kéo vào chứ không chỉ có bị vạ lây bởi đụng độ vũ trang hay chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Cho nên UAE phải từ bỏ việc chinh chiến nơi xa để đối phó với chiến tranh chỗ gần. Cái lợi thu về được từ việc tham chiến ở nơi xa không thể bù đắp lại được cho những thiệt hại và tổn hại do bị lôi kéo vào hay bị vạ lây bởi cuộc xung khắc vũ trang có thể xảy ra giữa Mỹ và Iran ở ngay nơi biên giới và cửa ngõ của mình. 

Dù nguyên do gì thì liên quân kia cũng đã bắt đầu rạn vỡ bởi đến UAE lắm tiền nhiều của và thân thiết với Ả rập Xê út đến thế mà vẫn phải tính bài chuồn khỏi liên quân thì rồi các thành viên khác của liên quân này cũng sẽ phải suy tính kỹ càng và dần nhoãng ra.