Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ phương án thi sau năm 2020

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tại Văn phòng Chính phủ sáng nay (25/9), Bộ GD&ĐT đã báo cáo Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020.

Theo Tờ trình số 971/TTr-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, phương án sau năm 2020 được đề xuất trên cơ sở bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy và học; không gây bức xúc trong xã hội; bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém, đúng quy định pháp luật.
Bộ GD-ĐT trình phương án thi sau năm 2020. Ảnh: Phạm Hùng
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Giai đoạn 2021 - 2025 về cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Cụ thể, các bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi Tổ hợp tự chọn (KHTN và KHXH) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích học phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung gồm ban hành quy chế, ra đề thi, thanh kiểm tra, giám sát, chủ trì tổ chức chấm thi bài thi trắc nghiệm.
UBND các địa phương (tỉnh/TP trực thuộc Trung ương - gọi chung là tỉnh) chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi tại địa phương mình (chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các ban ngành hữu quan thực hiện các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi bài thi tự luận (nếu có), phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT).
Các cơ sở giáo dục đại học được Bộ điều động tham gia các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, tổ chức chấm thi và phúc khảo bài thi.
Mục đích và yêu cầu của phương án thi sau năm 2020: Tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy; đánh giá được kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường; đảm bảo có độ phân hóa phù hợp nhằm có thể phát hiện nhân tài để cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có thể tham khảo sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cho biết, kết quả tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia theo lộ trình 2015 - 2020, đến năm 2019 đã tạo tiền đề về cơ bản cho đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ sau năm 2020 theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng để triển khai Phương án đổi mới thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ sau 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần