Bộ GD&ĐT: Có việc lọt đề nhưng không ảnh hưởng tới kết quả thi

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (27/6), Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo nhằm thông tin những vấn đề đáng chú ý của kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Thông chung về kỳ thi THPT quốc gia 2018, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đã có hơn 925.000 thí sinh đăng ký dự thi với tỷ lệ đến thi đạt trên 99%. Để phục vụ thí sinh tại hơn 2.100 điểm thi, ngành GD&ĐT đã huy động gần 45.000 cán bộ, giảng viên tham gia các công tác có liên quan.
Đại diện Bộ GD&ĐT tại buổi họp báo. Ảnh: Hà Thanh
Tính đến khi kết thúc kỳ thi, có tổng số 77 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó 73 trường hợp bị đình chỉ do mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi; 3 thí sinh bị cảnh cáo và 1 thí sinh bị khiển trách.
Phía Bộ GD&ĐT cũng cho biết thêm, với các trường hợp thí sinh ốm đau, không tự làm bài thi được đều được các hội đồng thi hỗ trợ tối đa, đảm bảo các hoàn cảnh trên đều có thể thực hiện quá trình làm bài thi của mình. Với một số tỉnh miền núi phía Bắc có mưa lớn, gây sạt lở, ách tắc giao thông trong những ngày qua đều được địa phương huy động phương tiện để kịp thời hỗ trợ đưa thí sinh đến điểm thi đúng giờ.
Đánh giá về kỷ cương của kỳ thi, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, vấn đề kỷ luật được duy trì nghiêm túc tại tất cả các điểm thi. Mặc dù có hiện tượng vi phạm quy chế nhưng đều bị phát hiện và xử lý kịp thời. Trong toàn bộ kỳ thi không phát hiện được hiện tượng tiêu cực hay gian lận có tổ chức.
"Phương thức tổ chức thi THPT toàn quốc đã thể hiện hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, khách quan và công bằng. Các điểm thi được đặt tại địa phương đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa cũng như quá lo lắng tới vấn đề ăn ở", đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá.
Với thông tin phản ánh đề thi môn Vật lý và Lịch sử bị lọt ra ngoài, ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc này không ảnh hưởng tới kết quả thi. Do đề được đưa lên mạng khi giờ làm bài của môn thi đã kết thúc nên phải gọi là “lọt đề” chứ không phải là “lộ đề” và việc này không ảnh hưởng tới quá trình thực hiện bài thi của thí sinh.
Còn với những phản ánh của bản thân thí sinh rằng đề thi năm nay quá khó, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho rằng, so với năm 2017, đề thi năm nay có độ khó tăng lên là hiển nhiên vì nội dung được mở rộng tới cả phần kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, ngay từ lớp 11, thí sinh đã được thông báo sớm về việc mở rộng phạm vi đề thi như vậy.
"Không những thế Hội đồng ra đề cũng đã tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia. Mọi nội dung thi đều năm trong chương trình lớp 12 (chiếm hơn 80%) và lớp 11. Các câu hỏi, câu trắc nghiệm cũng đều ở trong nội dung chương trình phổ thông, không vượt quá chương trình các em đã học", ông Sái Công Hồng nói thêm.