Bộ GD&ĐT đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong phát hành sách giáo khoa

Oanh Trần – Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc in sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) chỉ được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) và những tên sách có số lượng in thấp.

Sáng nay 25/9 tại Hà Nội, UBVHGDTNTNVNĐCQH) tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội (UBVHGDTNTNVNĐCQH) Hoàng Thị Hoa đã báo cáo kết tóm tắt kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giai đoạn 2012 – 2017.
Bà Hoàng Thị Hoa nhận định, SGK chỉ được sử dụng một lần là do việc biên soạn, thiết kế chưa hợp lý. Ảnh: Chi Lê
Thông tin về thực trạng xuất bản, in, phát hành SGK và một số sách thực nghiệm, tài liệu thí điểm, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa cho biết: Về xuất bản SGK giáo dục phổ thông, qua khảo sát cho thấy, dư luận rất băn khoăn cho rằng việc Bộ GD&ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành, không thức đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK.
Không chỉ thế, việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, số lượng SGK GDPT đã in, phát hành giai đoạn 2012 - 2017 tương đối ổn định (khoảng trên 100 triệu bản/năm) và chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 30% tổng sản lượng xuất bản phẩm (XBP) cả nước. Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt Công nghệ giáo dục (CNGD) thì lên đến 75% tổng sản lượng XBP cả nước.
Hàng năm, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) tổ chức in SGK GDPT theo 2 hình thức: in gia công và in đấu thầu rộng rãi toàn quốc, Tuy nhiên, việc in SGK GDPT chỉ được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của NXBGDVN và những tên sách có số lượng in thấp.
Do đó, dẫn đến tính cạnh tranh chưa cao, hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in. Bên cạnh đó, tình trạng in lậu, nối bản SGK ngày càng lan rộng, tinh vi và phức tạp, gây khó khăn cho các quan quản lý nhà nước và người sử dụng trong việc phân biệt thật giả. Điều này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả, của NXB và người tiêu dùng.
Việc phát hành SGK GDPT được thực hiện chủ yếu theo hệ thống nội bộ, khép kín của NXBGDVN. Hệ thống phát hành SGK GDPT còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển,
Mặc dù giá bán SGK GDPT 2000 khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường xuất bản phẩm và giữ nguyên từ năm 2011. Nhưng trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần, thay mới hằng năm, gây lãng phí ngân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc biên soạn, thiết kế SGK chưa hợp lý, đã đưa các dạng/mẫu bài tập vào hầu hết SGK tiểu học và THCS. Bên cạnh đó, chất lượng giấy in, đóng quyển SGK GDPT chưa bảo đảm; việc chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng, giữ gìn, bảo quản sách và công tác kiểm tra, đánh giá việc in, phát hành SGK của Bộ GD&ĐT chưa được quan tâm đúng mức.
Bà Hoàng Thị Hoa cũng nêu ra thực trạng xuất bản, in, phát hành bộ sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục (CNGD). Theo đó, giá bán 1 bộ sách VNEN cao gấp 3 - 4 lần giá 1 bộ SGK GDPT 2000. Ngoài ra, sách VNEN còn thiếu một số môn nên học sinh học sách VNEN ngoài việc phải chi số tiền rất cao cho bộ sách hướng dẫn học, còn phải chi thêm tiền mua các môn còn thiếu từ bộ SGK GDPT.
Điều đáng nói, tuy là sách thí điểm nhưng hàng năm sản lượng in, phát hành sách VNEN và tiếng Việt lớp 1 CNGD tăng đột biến. Năm 2017 sản lượng in phát hành tài liệu TV lớp 1 CNGD khoảng 5 triệu bản, tăng gần 13 lần so với năm 2012; sách VNEN là 10 triệu bản, tăng gấp 5 lần so với năm 2014.
Và, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt 1 CNGD cùng do NXBGDVN chỉnh sửa hàng năm, thay hàng năm, không sử dụng lại, gây lãng phí. Không những thế, việc tổ chức thí điểm/thực nghiệm bộ sách VNEN và sách Tiếng Việt 1 – CNGD trong nhà trường phổ thông thời gian qua cũng đang gây ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Dù SGK GDPT, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – CNGD cùng do NXBGDVN xuất bản, in và phát hành. Tuy nhiên, khác với SGK GDPT 2000, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt 1 - CNGD không được bán trên thị trường mà được phân phối độc quyền bởi các công ty con và công ty thành viên của của NXB GDVN thông qua Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, phòng GD&ĐT các quận/huyện/thị xã; các trường tiểu học, trung học cơ sở, trên cơ sở rà soát nhu cầu sử dụng các bộ sách này hàng năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần