Bộ GD&ĐT sửa nhiều quy định trong Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo 2 sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó sửa đổi quy định về chấm bài thi tự luận, cộng điểm khuyến khích, bảo lưu điểm, xử lý vi phạm quy chế thi bị đình chỉ thi..

Theo Bản dự thảo 2, Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý, quy định: Đối tượng dự thi phải có Bằng tốt nghiệp THCS và không xếp loại học lực kém ở lớp 12. Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 (năm) điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi đăng ký dự thi), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định.

 Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định cộng điểm khuyến khích đối với những thí sinh đạt giải trong các kỳ thi. Ảnh: KTĐT.
Về chấm bài thi tự luận, Trưởng môn chấm thi tổ chức quán triệt Quy chế thi, thảo luận Đáp án, Hướng dẫn cho toàn bộ Tổ trưởng chấm thi, cán bộ chấm thi; tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận (đối với những Hội đồng thi có từ ba mươi nghìn thí sinh thí sinh trở lên, Trưởng môn chấm thi có thể triển khai theo từng Tổ chấm thi hoặc nhóm Tổ chấm thi). Sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại các phòng chấm thi riêng biệt.
Cán bộ chấm thi lần thứ hai ghi điểm chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh (điểm chấm từng ý nhỏ phải ghi tại lề bên trái bài thi ngay cạnh ý được chấm) và vào phiếu chấm.
Điểm thi được bảo lưu trong trường hợp: Thí sinh dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 (năm) điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điểm bài thi hoặc điểm các môn thành phần của bài thi tổ hợp chỉ được bảo lưu theo quy định trên nếu các môn thi thành phần của bài thi đó đều đạt trên 1,0 (một) điểm.
 Thí sinh được bảo lưu điểm thi bài thi tổ hợp đạt từ 5 điểm trở lên. Ảnh: KTĐT.
Lần dự thảo Quy chế này, Điểm khuyến khích đã được Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung thành: Đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn Vật lí, Hoá học, Sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT.
Đối với giải cá nhân: Đoạt giải nhất, nhì, ba quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc Huy chương Vàng được cộng 2,0 điểm; giải khuyến khích quốc gia hoặc giải nhì cấp tỉnh hoặc Huy chương Bạc được cộng 1,5 điểm; giải ba cấp tỉnh hoặc Huy chương Đồng được cộng 1,0 điểm.
Đối với giải đồng đội: Chỉ cộng điểm đối với giải quốc gia; số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội theo quy định cụ thể của Ban Tổ chức từng giải; mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân quy định tại điểm này.
Những người học đoạt nhiều giải khác nhau trong nhiều cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.
Bộ GD&ĐT đã sửa đổi, bổ sung vào quy định Xử lý thí sinh vi phạm Quy chế thi. Theo đó, đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau sẽ bị đình chỉ thi: Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế này vào phòng thi/phòng chờ và khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển về phòng chờ và trong thời gian ở phòng chờ.
Cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo Trưởng Điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Nếu Trưởng Điểm thi không nhất trí thì báo cáo Trưởng ban Coi thi quyết định. Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi, phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được rời khỏi khu vực thi khi hết 2/3 (hai phần ba) thời gian làm bài thi tự luận hoặc khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm.
Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó./.