Bộ GD&ĐT yêu cầu kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn trường học

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - An toàn đối với học sinh, nhất là đối với trẻ mầm non là vấn đề được Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm.

Qua sự việc Hiệu trưởng trường mầm non xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) dốc ngược trẻ vào máy vặt lông gà, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương phối hợp với ban, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các điều kiện bảo đảm trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; chấn chỉnh việc vi phạm đạo đức nhà giáo.
Trước đó, ngày 23/3 bà Vũ Thu Hằng - Hiệu trưởng trường mầm non xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) có hành vi dốc ngược bé trai 4 tuổi vào máy vặt lông gà và dọa cắm điện vừa qua đang khiến dư luận hết sức xôn xao. Được biết, hiện UBND huyện Bảo Thắng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với hiệu trưởng này đến hết ngày 8/4/2017 để phục vụ điều tra làm rõ sự việc.
 Cháu bé bị cô giáo dốc đầu vào máy vặt lông gà. (Ảnh: Cắt từ clip)
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, vụ việc trên cho thấy, hai giáo viên và Hiệu trưởng trường mầm non xã Xuân Giao đã thiếu kỹ năng, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ, có hành vi bạo hành trẻ. Dù vì bất kỳ lý do gì thì dọa nạt không phải là phương pháp giáo dục, đặc biệt là đối với giáo dục trẻ mầm non, trẻ rất cần tình cảm yêu thương, sự gần gũi, động viên khích lệ (vừa dạy, vừa dỗ dành, chăm sóc) của cô giáo để giúp trẻ cảm thấy được an toàn và thích nghi với môi trường nhà trường.
An toàn đối với học sinh, nhất là đối với trẻ mầm non là vấn đề được Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm. Bộ đã ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng trường học an toàn ở các cấp học. Đối với những vụ việc không an toàn trong trường học được báo chí phản ánh, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định.
Ngày 20/2/2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 505/CT-BGDĐT về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường nề nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương phối hợp với ban, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các điều kiện đảm bảo trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; chấn chỉnh việc vi phạm đạo đức nhà giáo. Đồng thời, Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc đánh giá giáo viên nghiêm túc, khách quan theo chuẩn nghề nghiệp, đặc biệt là tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ. Một nội dung quan trọng trong công tác bồi dưỡng, đó là kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm thường gặp trong giáo dục để tránh những hành vi phản giáo dục trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.