Bộ GTVT: Hà Nội đã làm hết sức thận trọng việc xây dựng ga ngầm C9

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trả lời báo chí về việc Hà Nội xây dựng ga ngầm C9 gần Hồ Gươm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Hà Nội rất thận trọng trong việc xây dựng phương án, đánh giá chuyên môn, xin ý kiến nhân dân cũng như các bộ ngành…

Quy hoạch ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).
 Phối cảnh kiến trúc cửa lên xuống số 1, ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo
Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm là khoảng 10m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới Tháp Bút khoảng 36m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.

Hiện phương án Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 đang được đưa ra trưng bày công khai để lấy ý kiến nhân dân.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 30/8, Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GT&VT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 2, ga Thăng Long, tuyến Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia, do Hà Nội là cơ quan chủ quản đầu tư. Với vị trí ga thứ 9 trên tuyến, theo lập dự án của Hà Nội, chúng tôi cũng như các cơ quan bộ, ngành khác được tham vấn lấy ý kiến chuyên ngành.
“Theo chúng tôi, đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội, các ga đều được lựa chọn đánh giá về chuyên môn”, Thứ trưởng đánh giá.
Theo Thứ trưởng, việc lựa chọn ga có những tiêu chí riêng, về thu hút hành khách, về thuận lợi trong vận tải… Cũng đã có những tính toán, tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, chính quyền, chuyên gia và các nhà khoa học, đã công khai lấy ý kiến của người dân.
Tuy nhiên có phần ga C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích Hồ Hoàn Kiếm. Theo chức năng, Bộ VHTT&DL phải có ý kiến về việc quản lý các di tích. Việc giải quyết phần này, theo tôi, trên cơ sở đánh giá tác động, kể cả tác động của môi trường, tác động tới quản lý di tích, bảo vệ di tích, Hà Nội có trách nhiệm tiếp tục đánh giá và có báo cáo đảm bảo ga đúng công năng vận tải nhưng cũng phải đảm bảo bảo tồn và trong quy định pháp luật cho phép.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần