Bộ GTVT và Hà Nội đều lo sân bay Nội Bài "vỡ trận" giống Tân Sơn Nhất

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Hội nghị chiều 12/9, cả lãnh đạo Bộ GTVT lẫn UBND TP Hà Nội đều bày tỏ lo ngại, nếu không nâng cấp, mở rộng, trong khoảng từ 3 - 5 năm nữa, sân bay Nội Bài sẽ quá tải và có nguy cơ “vỡ trận” giống như sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Nội Bài có 2 đường cất hạ cánh; khu bay đảm bảo công suất 45 triệu khách/năm. Theo phương án thiết kế, sân đỗ máy bay hiện nay có 71 vị trí đỗ máy bay, thời gian tới có kế hoạch nâng lên được 86 vị trí đỗ.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định: “Công suất của sân bay Nội Bài hiện là 25 triệu khách/năm. Vào năm 2020, sân bay Nội Bài sẽ đạt 34,5 triệu khách lưu thông, năm 2025 là 54 triệu khách/năm và tới năm 2030 là 65 triệu khách/năm. Dự báo lưu lượng khách năm nay tăng 16,5% so với năm trước đó. Nếu tiếp tục tăng với tốc độ này, sân bay sẽ sớm trở nên quá tải”.

Hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang triển khai mở rộng nhà ga hành khách T1, dự kiến hoàn thành trong năm 2018 với công suất đạt 15 triệu khách/năm đồng thời đã lập kế hoạch mở rộng nhà ga hành khách T2 trong giai đoạn đến năm 2020 để nâng công suất đạt 15 triệu khách/năm. Tổng công suất nhà ga khi đó đạt 30 triệu khách/năm.

“Kết quả dự báo chỉ ra rằng, việc quy hoạch Cảng hàng không Nội Bài trong 2 giai đoạn được Thủ tướng phê duyệt trước đó vào năm 2008 đạt công suất 50 triệu khách/năm vào năm 2030 không còn phù hợp với nhu cầu phát triển và tiềm năng phát triển của Nội Bài trong giai đoạn dài hạn” - ông Thắng đánh giá.

Vì vậy, lãnh đạo Cục Hàng không nhìn nhận cần nghiên cứu tổng thể để tiếp tục phát triển Nội Bài đáp ứng công suất đạt 80 - 100 triệu khách/năm trong tương lai.

Ý kiến này đã nhận được cả Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Chúng ta phải bắt đầu xây dựng quy hoạch và thiết kế mở rộng sân bay ngay từ bây giờ mới kịp đáp ứng nhu cầu trong vài năm tới”.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhận định: “Hà Nội đã nhìn thấy vấn đề quá tải trong tương lai gần của sân bây Nội Bài và cũng đang rất mong muốn Chính phủ sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay”.

Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội thống nhất lập phương án quy hoạch quỹ đất khu tái định cư, phương án đền bù giải phóng mặt bằng để chuẩn bị triển khai thực hiện quy hoạch.

Song song đó, Cục Hàng không đề nghị Bộ GTVT cho phép thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để rà soát, quy hoạch Cảng hàng không Nội Bài đảm bảo công suất 80 - 100 triệu khách/năm trong giai đoạn dài hạn.

Theo tiết lộ của ông Thắng, dự kiến kinh phí để rà soát đánh giá quy hoạch cảng hàng không Nội Bài vào khoảng 30 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu: “Đừng để giống như sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ Giao thông Vận tải hiện đang phải giải cứu. Sân bay Tân sơn Nhất năm nay đạt con số 36,5 triệu hành khách thông quan trong khi công suất chỉ là 28 triệu khách”.

Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, thành phố đã nhìn thấy việc trong vòng 3-5 năm tới, Chính phủ không đầu tư sân bay Nội Bài có nguy cơ ùn tắc rất lớn về cả vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hoan nghênh Bộ GTVT đồng hành cùng Hà Nội đề xuất Thủ tướng đi trước một bước về công tác giải phóng mặt bằng để sau khi có mặt bằng sách kêu gọi nhà đầu tư dễ hơn.

“Hà Nội đang giao nhà đầu tư quy hoạch đô thị vệ tinh trong đó có quy hoạch huyện Sóc Sơn. TP muốn đưa cả sân bay vào quy hoạch khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ.