Bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu: Giảm tối đa thời gian, chi phí cho người dân

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an đã thông tin bản đánh giá tác động của chính sách trong Dự án Luật Cư trú. Trong đó, phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá phù hợp với thực tiễn.

 Ảnh minh họa
Giảm 1.600 tỷ đồng/năm
Theo kết quả hệ thống hóa các thủ tục hành chính (TTHC), hiện nay trong 5.400 TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 thủ tục yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân; 70 TTHC yêu cầu xuất trình Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh; 18 TTHC yêu cầu Giấy chứng nhận kết hôn... Sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư thông qua việc cập nhật, kết nối từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân.

Tiếp đến, quản lý theo số định danh cá nhân sẽ giảm những chi phí khi thực hiện TTHC cho người dân khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình; không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện TTHC chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây, tạo thuận lợi cho gần 90 triệu người dân khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền. Ngoài ra, việc này sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn nữa, sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử). Đồng thời quản lý dân cư bằng số định danh sẽ góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được kịp thời, chính xác, hiệu quả, thông suốt từ cơ sở.

Tuy nhiên, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Theo chủ trương được Chính phủ phê duyệt thì việc thực hiện tổng đầu tư của dự án này là 3.367 tỷ đồng.

Hà Nội sẵn sàng kết nối

Hà Nội là một trong một số địa phương được đánh giá chủ động nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đăng ký, quản lý cư trú. Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội), hiện đã có khoảng 7 triệu công dân Thủ đô được nhập thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu dân cư của TP và dữ liệu mới liên tục được bổ sung. Trong đó, 2 triệu công dân đã được cấp mã định danh cá nhân.

Đại úy Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội) cho biết, việc thu thập thông tin dữ liệu dân cư diễn ra thuận lợi trên địa bàn do công tác quản lý theo 3 cấp của Công an TP (gồm tàng thư hộ khẩu, tàng thư chứng minh nhân dân và sổ sách quản lý của địa phương) nên cơ sở khá đầy đủ. Trước đó, Công an TP đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã, bảo đảm không có sự chồng chéo trong triển khai nghiệp vụ. Hiện nay, cơ bản hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư của Hà Nội đã đi vào hoạt động ổn định và sẵn sàng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại úy Nguyễn Thành Lâm cũng nêu rõ, mỗi người dân khi đã được cấp số trong chứng minh nhân dân 12 số (trước khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực) hoặc căn cước công dân hiện nay thì đó là mã số định danh cá nhân của công dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần