Bộ KH&CN giải đáp các vấn đề về sở hữu trí tuệ

Phương Đoàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 18/7, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức họp báo thường kỳ quý II năm 2019 cung cấp thông tin về các kết quả hoạt động của Bộ trong quý II và kế hoạch hoạt động quý III/2019.

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KH&CN; xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia; thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc ;xây dựng chính sách để hạn chế nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu.

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì cuộc họp báo
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy và đại diện lãnh đạo một số đơn vị của  Bộ đã trả lời những vấn đề được báo chí quan tâm như sở hữu trí tuệ quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có làm khó cho doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia vào CPTPP; Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thay thế cho Thông tư 23/2015/TT-BKHCN và những nỗ lực của Bộ để hạn chế rác thải công nghệ.
 Toàn cảnh cuộc họp báo
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, trong tương lai những tài sản có giá trị cao là những tài sản vô hình như: Thương hiệu, nhãn hiệu, bằng phát minh sáng chế, bí mật kỹ thuật, bí quyết, tác phẩm... Nên những chế tài xử phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng cao, nhằm bảo vệ, khuyến khích người làm sáng tạo, doanh nghiệp tạo nên những tài sản “vô hình” có giá trị lớn.
Hơn nữa, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới quy định mức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao, điều này được cho là thuận lợi trong việc bảo hộ quyền và tài sản của người làm sáng tạo, của doanh nghiệp nhưng cũng là khó khăn cho những doanh nghiệp không có sự chủ động tiếp cận và cập nhật, nắm vững những quy định mới.
Đối với vấn đề nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, Vụ trưởng Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH&CN) Nguyễn Nam Hải, khẳng định: Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg vẫn đảm bảo mục tiêu tiếp tục quản lý chặt chẽ máy móc dây chuyền công nghệ tại Việt Nam, tránh biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ. Bên cạnh đó, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài hiện đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thông qua việc nhập khẩu những máy móc, dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng mà vẫn đáp ứng được hoàn toàn các quy định về an toàn, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng, nhưng lại mang lại cho nhà đầu tư những lợi ích kinh tế cao hơn so với sử dụng các loại máy móc, công nghệ mới.
Thậm chí, trong một số trường hợp đặc biệt, việc nhập khẩu những máy móc, thiết bị cũ là giải pháp duy nhất, do dây chuyền sản xuất đã sử dụng lâu, máy móc, thiết bị hỏng hóc dẫn đến việc sử dụng máy móc, thiết bị mới sẽ không tương thích với cả dây chuyền sản xuất. Bên cạnh những tiêu chí đưa ra cho các dây chuyền, thiết bị cũ đủ tiêu chuẩn nhập khẩu thì Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg có điểm khác biệt lớn nhằm hạn chế rác thải công nghệ là Chính  phủ không cho phép nhập khẩu máy móc thiết bị với mục đích kinh doanh, mua bán mà chỉ áp dụng trong việc sản xuất tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, dự kiến trong Quý III/2019, Bộ KH&CN sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban vùng Đông Nam Bộ 2019 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Mô hình tăng trưởng của doanh nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo; Hội nghị phát triển thị trường KH&CN; Techfest Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du Miền núi phía Bắc; Techfest Vùng Tây Nguyên; Techfest Vùng ĐBS Cửu Long; Techfest Vùng Đông Nam Bộ;… Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Bách khoa Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt nam 2019 vào ngày 15/8 tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần