Bộ LĐTB&XH kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng gói 62.000 tỷ đồng

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được hỗ trợ, vay vốn và các điều kiện để được thụ hưởng gói 62.000 tỷ đồng.

Bộ LĐTB&XH đã có Tờ trình số 94/TTr-LĐTBXH gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ LĐTB&XH kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng giáo viên được hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng. 
Sau quá trình thảo luận và thống nhất ý kiến của các bộ, ngành, Bộ LĐTB&XH đã có đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP. Cụ thể là mở rộng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT.
Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/2/2020 và không quá 3 tháng (trước đó tính bắt đầu từ ngày 1/4/2020).
Về điều kiện cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động, Bộ LĐTB&XH kiến nghị bỏ điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động”.
Thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ: “Trong khoảng tính từ tháng 4 đến tháng 12/2020” (trước đó từ tháng 4 đến tháng 6/2020) để tiếp tục hỗ trợ người sử dụng lao động đến hết năm 2020 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ cho vay vẫn không quá 3 tháng.
Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa điều kiện khó khăn về tài chính, đó là: “Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019”. Việc sửa này nhằm cụ thể hóa tiêu chí xét duyệt hồ sơ cho DN, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Về điều kiện được tạm hoãn đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm 50% lao động tham gian bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch, xuống còn 20%. Với phương án này, dự kiến có khoảng 70% DN đủ điều kiện. Và giả định có khoảng từ 30% đến 50% số DN tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng khoảng 120.000 DN đến 200.000 DN với khoảng từ 3,2 triệu đến 5,4 triệu lao động được tạm dừng đóng, với số tiền giảm 1 tháng khoảng từ 3.969 đến 6.618 tỷ đồng.
Bộ LĐTB&XH cũng kiến nghị điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục vay vốn, phê duyệt cho vay và tổ chức giải ngân. Cụ thể, hồ sơ vay vốn theo biểu mẫu ban hành. Người sử dụng lao động tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định.
Chậm nhất, ngày 5 hàng tháng, người sử dụng lao động gửi hồ sơ vay vốn đến Ngân hàng Chính sách xã hội - nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân) của người sử dụng lao động.
Khi nộp Hồ sơ vay vốn, người sử dụng lao động cung cấp bản gốc các giấy tờ để ngân hàng kiểm tra, đối chiếu.
Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn của người sử dụng lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.
Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện hết ngày 31/1/2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần