Bộ, ngành vào cuộc gỡ khó cho tiêu thụ nông sản vùng dịch

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các DN thu mua, phân phối nông sản lớn trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi.

Bộ NNPTNT vừa có văn bản đề xuất các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần có chính sách hỗ trợ DN, người dân trong lưu thông, bảo quản, tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ về lịch mùa vụ, tình hình diễn biến thời thiết và dịch bệnh... Mục tiêu là điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp; nắm bắt thông tin, tình hình về sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản trong nước, diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch, sản phẩm gia súc, gia cầm.

Bộ NN&PTNT yêu cầu triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức phù hợp, đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh (đặc biệt là thị trường Trung Quốc).

 Nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh thu hoạch củ cải. (Ảnh minh họa)

Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Công thương chỉ đạo các tỉnh, TP tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường trên địa bàn các tỉnh, TP.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công thương có ý kiến để các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.

Chỉ đạo các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua hàng hóa nông sản cho bà con nông dân; tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn các TP lớn và triển khai các phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19.

Đối với các DN cần đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các DN chịu ảnh hưởng của dịch như miễn giảm tiền thuê đất cho các DN nông nghiệp; giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện; nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có các gói kích cầu kịp thời nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện DN tập trung vốn sản xuất.

Đối với hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NNPTNT tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các DN thu mua, phân phối nông sản lớn trong trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua lớn và có hệ thống phân phối bán lẻ rộng (Central Group, AEON, VinCommerce, Lotte...) nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2020, dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cụ thể, việc tiếp cận gói tín dụng có lãi suất thấp còn khá khó khăn, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp.

Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các DN suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn, do đó, áp lực chi phí, phí, thuế với DN rất lớn. Số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Mặt khác, thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển; một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật.