Bỏ ngỏ quản lý bán hàng online

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mua bán hàng online đang ngày càng phổ biến bởi tính tiện lợi, song cũng chính ưu thế này làm người tiêu dùng (NTD) dễ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Thậm chí, có người còn mất trắng tiền nếu mua hàng ở những trang web giả hoặc trang web bị hacker.

Nhiều và rẻ
Hình thức bán hàng online với ưu điểm người mua chỉ cần “lướt” mạng là mua được hàng hóa cần thiết đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của NTD. Vì thế, nhiều siêu thị ở Hà Nội như Big C, Fivimart, HC, Pico, Media Mart… đã mở thêm kênh bán hàng online song hành với cách bán hàng truyền thống. Cùng với đó còn xuất hiện hàng loạt trang bán hàng qua mạng như: Ebay.vn, Lazada.vn, vatgia.vn, sendo.vn... Rất nhiều cửa hàng nhỏ, đặc biệt là các shop thời trang, mỹ phẩm sử dụng Facebook làm kênh bán hàng.
 Người tiêu dùng tham khảo hàng hóa bán trên mạng. Ảnh: Quỳnh Linh
Không khác ngoài chợ, sản phẩm được rao bán qua mạng rất đa dạng, từ bình dân đến cao cấp cho NTD thoải mái lựa chọn. Chị Đặng Thu Thủy (C3, khu đô thị Định Công) cho biết: “Một lần vào trang web bán hàng tiêu dùng mua được bộ nội thất nhà bếp gồm tủ, bếp, chậu rửa… với giá 7,4 triệu đồng, rẻ hơn thị trường khoảng 30%, nên tôi đã thành “tín đồ” mua hàng online”. Hàng bán online thường rẻ hơn thị trường từ 10 - 20% là vì người bán không phải thuê cửa hàng, tận dụng nhà làm kho chứa hàng và giao dịch mua bán.

Cần quy định rõ ràng

Mua bán online phát triển đã tạo điều kiện cho DN tiêu thụ sản phẩm, nhưng chính từ đây lại nảy sinh tiêu cực vì không ít cá nhân đã lợi dụng ưu điểm này để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong khi đó, sự quản lý của cơ quan chức năng cho loại hình mua bán này gần như bỏ ngỏ.

Chị Trần Thùy Nhung, một "tín đồ" mua hàng online chia sẻ: Thấy trên Facebook, một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm quảng cáo "Giảm giá 50% cho tất cả các nhãn hàng" nên đã đặt mua son của Maybelline và Lily MayMac 3CE với giá gần 900.000 đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng mới phát hiện sản phẩm không có tem chống hàng giả và các đặc điểm nhận dạng sản phẩm đều khác hàng “xịn”. Liên hệ với chủ hàng thì không thể kết nối. Đây chính là vấn đề mà rất nhiều NTD lo ngại khi mua hàng online: Kêu ai nếu mua phải hàng giả, kém chất lượng?

Trả lời câu hỏi này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Công San cho biết: Để chống hàng giả, hàng nhái tiêu thụ qua cách kinh doanh truyền thống, nhà quản lý có thể tiếp cận cơ sở phân phối, bán hàng để xử lý. Nhưng với bán hàng online, cơ quan kiểm tra phải đóng giả là người mua hàng, tìm đến nơi tập kết hàng mới có thể kiểm tra, chứ không thể phát hiện qua mạng. Ngoài ra, hàng giả mẫu mã, thương hiệu Việt thường dễ xử lý, nhưng với thương hiệu nước ngoài thường khó bởi không dễ tiếp cận chủ sở hữu. Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ: Công tác kiểm tra, giám sát loại hình kinh doanh này không hề đơn giản, khác hẳn phương thức thanh tra truyền thống. Bởi người mua hàng đa số là cá nhân không cần lấy hóa đơn, phương thức thanh toán trực tuyến lại đa dạng như thẻ VISA cá nhân, thẻ điện tử…

Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng thương mại điện tử, bán hàng online để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, Bộ Công Thương cần có quy định chặt chẽ loại hình kinh doanh này để bảo vệ quyền lợi NTD.

"Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có đến 5.259 website thương mại điện tử (TMĐT) của tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động. 37% DN đã có website phiên bản di động, 27% DN đã ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng di động. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT trên môi trường mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức với cơ quan quản lý. Các chủ thể hoạt động TMĐT bằng hành vi tương tác, giao dịch điện tử sẽ dễ dàng “xóa dấu vết”, cản trở việc thu thập chứng cứ điện tử trong những trường hợp vi phạm..." - Phó Giám đốc Sở Công Thương

Hà Nội Nguyễn Thanh Hải