Bộ Nông nghiệp “đòi” hủy hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn ODA

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế, có tình trạng nhiều Bộ, ngành, đơn vị đề nghị trả lại kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) năm 2020, nhiều nơi không có nhu cầu sử dụng vốn, đề nghị chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác. Đơn cử, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/3.638 tỷ đồng dự toán của Bộ để chuyển cho các Bộ, địa phương khác.

Toàn cảnh Hội nghị.
Các thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 25/6. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến 24/6/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn vốn vay nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng. Dù nỗ lực nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp so với dự toán được giao chỉ đạt 13,1%.
Tình hình nhập và phân bổ dự toán vốn vay nước ngoài trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đến nay đã có nhiều cải thiện so với cuối quý I/2020, đặc biệt, sau khi có các văn bản đôn đốc từ Bộ Tài chính và các giải pháp rà soát, chỉ đạo sát sao từ cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện tình trạng nhiều nơi đề nghị trả lại kế hoạch vốn, không có nhu cầu sử dụng vốn, đề nghị chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/3.638 tỷ đồng dự toán của Bộ để chuyển cho các Bộ, địa phương khác; Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học KHCN Hà Nội do Dự án không thể giải ngân theo kế hoạch; Bộ KHĐT giao sai dự toán như giao cho Bộ GD&ĐT và 16 tỉnh tham gia Dự án Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 vay ADB từ nguồn chi theo cơ chế tài chính trong nước sang ghi thu ghi chi nên đến nay vẫn chưa thể giải ngân.
Số còn lại chưa phân bổ, theo thông tin từ các cơ quan chủ quản, chủ yếu do các nguyên nhân: Đến cuối năm 2019, nhiều dự án mới được giao kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 nên một số hạng mục phải chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện; hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn, đề nghị chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác.
Theo đại diện Bộ Tài chính, năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Vì vậy, trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2020 là rất lớn.
Trong bối cảnh này, Bộ Tài chính đã kiến nghị các cơ quan chủ quản khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống TABMIS để có cơ sở giải ngân. Đồng thời, cần lưu ý tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.